khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Phim INDOCHINE







Cư xá Chu Mạnh Trinh, Gia Định, trước 30/4/1975- Tác giả Julie Quang



Một trong những góc nhớ của Saigon năm xưa đã có nhiều văn nghệ sĩ nhắc nhở, đó là cư xá Chu Mạnh Trinh. Đến nay những người cũ vẫn thản nhiên gọi y tên cũ mặc cho có đổi mới hay không? Từ thành phố đến thôn quê lên đường đổi mới nhưng lòng người vẫn “ôm ấp cái cũ ấp ủ hương xưa”. Những người của muôn năm cũ không màng đến sự thay đổi, cái mới không làm cái cũ biến đi vì cái tình với nơi ăn chốn ở đã ghi đậm trong lòng mỗi khi nỗi nhớ ngang qua ký ức giật lùi, là nó hiện diện ở ngay đó như vừa mới đây hay ngày hôm qua của Anh, của Chị, của Tôi.
 
Có lắm cư xá, nhiều chung cư quanh vùng Saigon - Gia Định - Chợ Lớn mỗi nơi mang cái vẻ riêng mà người của ngày đó vẫn hằn ghi trong lòng mối duyên tình về nơi chốn cũ. Cư xá Lữ Gia  gồm những người có địa vị trong xã hội, lắm bạc nhiều tiền hay cư xá sinh viên với ngọn đèn hiu hiu, tù mù ngọn nến và cái nỗi không tiền trả  tiền điện cho tháng rồi nên điện bị cúp ngang xương... chắc hẳn những sinh viên ngày nọ nay đã thành đạt  từ lâu những Luật Sư, Bác sĩ , Kỹ sư, Tiến sĩ  thành đạt ấy đôi khi trằn trọc thức giấc giữa đêm có chạnh lòng nhớ về cái cảnh chong đèn với sách vở và nỗi lòng cư xá cúp điện?
 
Không chỉ nhớ thoáng qua thôi mà hẳn kể lại với con cháu như một chuyện “truyền kỳ” từ đời nọ đến đời kia là niềm hãnh diện của Ông Bà, Cha Mẹ, cho tới nay chuyện truyền kỳ của gia đình hầu như “thất truyền” nơi hải ngoại và trong nước khi mọi chuyện đã khác xưa và những thứ không cần thiết đã trở thành cần kíp cùng nhất thiết trong đời sống như technology thì cái thuở ban đầu cái cảnh khó của thời sinh viên nghèo không chừng đã lùi về thuở hồng hoang bao đời!
 
Nhưng với giới Văn Nghệ Sĩ thì mặc cho không gian nghìn trùng cách trở chẳng màng thời gian đã trở thành con số tính nhẩm trên đầu ngón tay, họ cứ bay bổng qua bài viết trong tác phẩm văn chương hay Thi Ca gợi nhớ cả vùng trời ký ức. Trong “Chương Còm” của Duyên Anh có nói đến sinh hoạt thường ngày của lũ trẻ con trong cư xá. Người ta hay nói “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” khi gặp phải những đứa trẻ tinh nghịch phá làng phá xóm nhưng ở đây Chương Còm nhân vật có thật con trai của nhà Văn Duyên Anh - một cậu bé bé lắm chưa tới tuổi phá phách vả lại Chương còm bẩm tính hiền hoà không tham gia bất cứ trò chơi nào với bọn nhóc trong cư xá.
 
Sau năm bảy mươi lăm gặp Duyên Anh trong một quán ăn quận 13 Paris, nhà văn xác nhận “Chương Còm” viết trong cảm hứng từ bọn Tứ Quái Chu Mạnh Trinh hay Tứ Quý của Phạm Duy & Thái Hằng là tiền thân của ban nhạc The Dreamers. Nếu các con cháu nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc dùng bộ ván làm sân khấu cải lương tập diễn thì bên hàng xóm vài năm sau cái Cư Xá im ỉm thường nghe tiếng đàn trống điện, giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Julie Quang tập dượt cho những sáng tác mới. Và không cần gửi thiệp mời, bà con chòm xóm đã được nghe bài mới “Avant Premier” một cách sống động trước khi bài hát đem trình làng trên sân khấu, truyền hình, radio...  Đầu đường có nhạc sĩ Song Ngọc, hẻm C
 
- Nhạc sĩ Anh Tài (Tài ngò), ca sĩ Quỳnh Giao, nhạc sĩ Hoàng Nguyên, hẻm D - Nhà Văn Duyên Anh, Nghệ Sĩ  Năm Châu và Kim Cúc, Nhà Báo Bà Tùng Long... hẻm E - Gia đình Phạm Duy, Nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng (người viết nhạc cho ban tam ca hài hước AVT và là anh của nhạc sĩ Phạm Duy), hẻm F - Nhạc sĩ Tuấn Khanh tự ca sĩ Trần Ngọc, Hẻm chùa có Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, xưởng phim của Thái Thúc Nha bên cạnh đó là căn “nhà vườn” của Phạm Duy - căn nhà sau cùng trước khi di tản 75. Có lẽ Nhạc sĩ Phạm Duy là người có nhiều nhà nhất trong cái xóm văn nghệ này. Ngoài căn 215/2E đầu tiên (hiện nay gia đình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn cư ngụ ) đến căn “nhà giếng” hẻm F và “nhà vườn” hẻm Chùa.
 
Trong cư xá yên ắng buổi sáng như ban trưa nắng len vào từng góc khuất. Đầu ngõ, nơi mặt tiền đường có gia đình nhạc sĩ Song Ngọc, ông sang băng nhạc. Vào bên trong ngõ, có gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh tự ca sĩ Trần Ngọc cũng sang băng nhạc. Một hôm ông Trần Ngọc than vãn công việc sang băng ế ẩm ông Phạm Duy bèn nói chú đổi sang kinh doanh chuyện khác đi, trấn ngay đầu ngõ đã có Song Ngọc còn chú bên trong cùng làm ăn giống nhau thì chú thua là cái chắc bởi một người là Song và chú là Trần, đơn vị hơn thua đã định sẵn ở cái tên. Người viết thường qua lại với chị Quỳnh Giao ca sĩ và chị goá phụ trẻ vợ nhạc sĩ Hoàng Nguyên tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng thời đó.
 
Sáng sớm bọn nhóc đến trường, cánh đàn ông đến công sở, phụ nữ đi chợ cơm nước. Trong ngày có lẽ thời điểm này lý tưởng cho nhà văn ngồi vào bàn viết cho nghệ sĩ sáng tác , giấc ngủ đêm qua vừa tiếp nạp thêm nguồn năng lượng cho muôn loài cho người văn nghệ sĩ ghi lại vẽ ra cái muôn màu mọi vẽ của đời sống là những thứ mà văn nghệ sĩ luôn tìm kiếm từ chất liệu sống, điều đó cần có trong bất cứ tác phẩm nào và có lẽ đây là một cách giải thích vì sao cư xá  này quy tụ giới Văn đàn Sáng tác Nghệ thuật khá đông đảo. Ban trưa mặc cho nắng khét tóc cháy da, bọn trẻ luôn tụ tập nơi ngõ chính đánh đáo đá banh, tiếng hò hét của lũ trẻ phá tan cơn mơ màng của cư xá vốn dĩ im lìm như buồn ngủ ngày.
 
Buổi trưa lười trong ngày nắng hạ vắng tiếng rao hàng tiếng còi xe inh ỏi... điếc tai! nhưng không thiếu cái hừng hực sức sống của một mùa hè tuổi trẻ... Ở đó đọng lại một tiền thân của Tứ Quái Chu Mạnh Trinh - Tứ Quý của Phạm Duy và Thái Hẳng là buổi ban đầu của The Dreamers, của Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền và Julie Quang - những tên tuổi gắn liền với một thời hoàng kim âm nhạc Việt. Và người ta hẳn không thể quên nhất là những người đã từng ở trong cái Cư Xá Chu Mạnh Trinh mơ màng cơn buồn ngủ ngày nhưng đầy ắp kỷ niệm vui buồn của giới Văn Nghệ Sĩ miền Nam thời đó.




CHUYỆN THẰNG TÂY THẰNG TA



Chuyện thằng Tây
 
Có 1 thằng Tây đi lang thang đến 1 ngã 4 đường. Anh ta dòm quanh thấy trông vắng quá bèn cắm dùi mở 1 cây xăng. Xe cộ qua lại ghé vào đổ xăng ủng hộ.
 
1 anh Tây khác ghé đổ xăng thấy chỗ này cũng được nên Anh ta qua bên kia đường mở một cái Garage sửa xe để phục vụ những người ghé vào đổ xăng.
 
Thế rồi 1 anh Tàu đi ngang thấy vậy bèn qua bên kia đường mở 1 cái nhà hàng phục vụ ăn uống.
Một anh khác đi ngang qua… thấy ngã 4 đường có quán ăn, cây xăng, gara có vẻ sầm uất, thế là anh ta qua góc còn lại mở 1 cái Hotel.
 
Chẳng mấy chốc, ngã tư đường sầm uất hẳn lên… rồi mọi người đến mở thêm tiệm hoa, tiệm thuốc, tiệm cắt tóc, v.v….
 
Khu vực trở thành 1 trung tâm thương mại đông đúc. Bà con sống hạnh phúc với nhau.
 
Chuyện thằng Ta
 
Có 1 anh Việt Nam đi lang thang tới 1 ngã tư đường. Anh ta dòm quanh thấy trống vắng quá bèn cắm dùi mở 1 cây xăng. Xe cộ qua lại ghé vào đổ xăng ủng hộ.
 
1 ngày kia có 1 anh Việt Nam đi ngang thấy có vẻ đươc bèn qua bên kia đường mở 1 cây xăng giống y chang rồi bán rẻ hơn 1 chút.
 
Rồi 1 anh Việt Nam thứ 3 đi ngang, thấy 2 thằng kia làm được bèn chạy qua góc kia mở cây xăng thứ 3, giảm giá thêm chút nữa để cạnh tranh…đến đây thì chắc bạn biết rằng chẳng mấy chốc góc còn lại có thêm anh Việt Nam thứ 4 mở cây xăng thứ 4 và lại giảm giá bán.
 
Anh thứ 1 chưa kịp thu hồi vốn mà cũng không thể giảm giá nữa vì giá giảm 4 lần lỗ rồi…nên anh ta buộc phải pha tạp chất vô xăng để mà bán kiếm sống.
 
Anh thứ 2 thấy anh 1 pha tạp chất nên trương cái băng rôn lên bảo rằng ” Tiệm số 2 mới là cây xăng Gốc.. chính hiệu”…
 
Anh thứ 3 đứng bên kia đường xỉa xói “Mày căng băng rôn bảo mày chính hiệu, mày là xăng gốc…thế khác nào mà bảo tao bán đồ dỏm à?”…Thế là anh số 3 vác hàng qua đánh lộn với anh số 2.
Anh số 4 thấy thế móc Iphone ra quay phim lại rồi post lên mạng ghi Status “Haizz…làm ăn bây giờ sao bất chính quá…toàn côn đồ và lừa gạt”.
 
Cư dân mạng share rầm rầm thương cảm anh số 4…Báo mạng ăn cắp hình anh số 4 về giật tít ” Giang hồ đại chiến giành bảo kê ngành xăng dầu”….vô tình tới tai một sếp Công An…
 
Sếp công an thấy cái băng rôn của anh số 2 mới giật mình “hèn gì chiếc Masda 3s người ta cho mình đổ xăng xong thì không chạy nữa….thì ra thằng số 1 nó Pha tạp chất”… thế là cho Lính xuống kiểm tra.
 
Lính xuống kiểm tra anh số 1…anh số 1 chửi bới không cho kiểm tra. Móc Iphone ra quay lại đoàn kiểm tra và Hù “Mấy anh sao chỉ kiểm tra 1 mình tui?”
 
Đoàn Kiểm tra sợ bị đăng lên mạng nên đành làm đúng chức năng… Đè 3 thăng kia ra thanh tra luôn.
Té ra cả 4 thằng ai cũng pha tạp chất hoặc bơm không đúng lượng hoặc gắn chip ăn gian. Thế là đóng cửa hết 4 cây xăng. 4 thằng phá sản…lại đi lang thang.
 
Góc đường bây giờ lại trống vắng với 4 cây xăng bỏ hoang tàn phế theo thời gian. Một thời gian sau, người ta thấy ở ngã tư ấy xuất hiện 4 anh đánh giày Việt Nam, và hằng ngày các anh này vẫn đánh nhau để dành khách…
 
 

Tình yêu đủ dịu ngọt để biến một sĩ phu Bắc Hà từ Ngọc Lan đầy lãng mạn Pháp sang Nam Ai Nam Bình với đầy dắt díu đắm say pha lẫn dỗi hờn. Dương Thiệu Tước với Tiếng Xưa và Đêm Tàn Bến Ngự...







                                               


CD - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ, ca sĩ ANH NGỌC







Nhớ về Sầu Nử Út Bạch Lan









Người Lính Già Chỉ Mờ Đi - Tác giả Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh



1.

Trong ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn chong nhỏ, tôi thấy Ba tôi ngồi như một cái bóng mờ. Tôi rón rén đến gần. Ba nhìn lui. Tôi hỏi nhỏ:

“Sao Ba không mở đèn sáng lên hở Ba?”

“Ba xong rồi.”

Tôi đặt tách trà gừng lên bàn, liếc nhìn màn hình computer. Chỉ có tấm ảnh gia đình, Ba thường cho nó “hiện lên” sau khi đã làm xong việc. Tôi hơi mỉm cười, mừng vì Ba có thể nghỉ ngơi sớm.

Tôi kéo một chiếc ghế lại để ngồi gần Ba. Ba hỏi:

“Hôm nay chuyến đi của con thế nào?”

“Dạ vui, mà cũng buồn Ba à!”

“Kể Ba nghe.”

“Chỗ nursing home này vui vì có nhiều người Việt. Họ cùng ca hát với mình vì những bài hát khá quen thuộc với họ. Mà buồn vì cũng có nhiều người không thể thưởng thức, không thể hòa mình được. Họ ngồi ủ rũ, lờ đờ.”

“Tội nghiệp! Nhưng chắc là họ có nghe, có nhận được hở con?”

“Dạ con tin là thế. Bởi vậy con thấy buồn. Nhiều người là cựu quân nhân Ba à!”

Dù đèn mờ, tôi vẫn thấy được Ba nhíu mày. Ba thở dài nhè nhẹ…

“Ba ơi, nếu có thể quay ngược lại như một cuốn phim, con tưởng tượng những người đó sẽ đứng lên, vui cười, đàn hát. Họ trở lại thời tuổi trẻ…”

Ba gật đầu:

“Phải, nếu có thể…”

Tôi chợt nhìn Ba thật kỹ. Ôi, nếu tôi có phép thần làm thời gian quay ngược lại, tôi sẽ thấy Ba của thời trai trẻ. Ba đang ở trong trường lớp. Ba đang ở trong quân trường. Ba đang ở ngoài mặt trận. Sinh động quá, Ba của tôi! Nhưng đó cũng chỉ là những điều tôi tưởng tượng ra mà thôi! Vì tôi đâu có thấy Ba những lúc như vậy ngoài đời thật. Tôi chỉ biết “Ba lúc trẻ” qua những tấm ảnh còn lưu lại, cất trong quyển album gia đình với những trang giấy bọc plastic đã cũ vàng. Tôi còn quá nhỏ lúc đi theo Mẹ vào thăm Ba ở nơi gọi là “trại cải tạo.” Lúc đó, Ba trông rất cằn cỗi mặc dù tuổi còn khá trẻ. Tôi là đứa con gái út, ba tuổi, được Mẹ bế trên tay khi đi vào trại. Lóc ca lóc cóc đến lần thăm Ba sau cùng tôi đã là một cô bé mười lăm tuổi. Ba đi hết trại này đến trại khác, trong Nam ngoài Bắc. Khi Ba ra khỏi trại tù, mái tóc Ba đã bạc hơn một nửa. Ôi! Nếu tôi có thể quay ngược được thời gian để thấy Ba trẻ lại…

2.

Ba chuyển hết những bài Ba viết cho tôi đọc để tôi sửa lỗi đánh máy nếu có. Đó là những trang quân sử. Ba nói khi còn đi học, Ba rất say mê môn Sử. Trải qua thời gian sống trong quân đội, Ba càng nặng lòng với môn này, lúc đó không còn là môn học bắt buộc nữa, mà trở thành một niềm đam mê. Bây giờ, hằng ngày, hằng đêm, Ba miệt mài viết. Trước thì viết, sau là “gõ”. Ban đầu các con phụ “gõ” cho Ba, sau Ba tập dùng computer và tự mình gõ. Bây giờ chúng tôi “gõ” không lại Ba đâu! Ba nói chiếc máy computer đã giúp con người được tự do. Ba tra cứu tài liệu, kết hợp với kinh nghiệm chiến trường của Ba, ghi lại những dòng, những trang khiến chúng tôi say sưa đọc. Không chỉ là những sự kiện, mà còn có trong đó mồ hôi, nước mắt, máu và thịt xương.

Công việc của Ba là một công việc lâu dài. Chưa biết lúc nào Ba sẽ dừng. Ba thong thả ngồi trước máy, gõ chăm chỉ. Có khi chúng tôi đưa Ba đi thư viện để Ba xem sách, tìm kiếm tài liệu cho đúng ý. Từ ngày Ba bị té sái khớp bàn chân, chúng tôi không cho Ba lái xe nữa.

Có khi tôi bắt gặp Ba ngồi trước ảnh của Mẹ, nói lẩm bẩm những gì tôi nghe không rõ. Đôi lúc Ba mỉm cười thú vị, nhưng cũng có khi Ba lau nước mắt. Ba sống với kỷ niệm vui buồn. Ba xem như Mẹ còn sống bên Ba. Nhưng Ba lại cũng rất thực tế, đúng vậy. Ba giúp các con các cháu khi chúng cần đến Ba. Ba không phàn nàn, không trách móc, không đòi hỏi. Ba nói Ba rất may mắn vì Ba vẫn còn hữu dụng. Ba nói khi nào Ba yếu quá rồi thì các con đưa Ba vào viện dưỡng lão, vào “nursing home”. Nhưng anh em chúng tôi không chịu. Chúng tôi dư sức chăm sóc Ba mà! Tôi là con gái út chưa muốn lập gia đình, tự nguyện chăm sóc Ba. Anh chị tôi chia nhau ngày nào cũng có người đến thăm, khi Ba bệnh thì ở lại đêm để phụ tôi lo cho Ba. Chuyện đơn giản như thế.

3.

Sau giờ làm, tôi đưa Ba đến viếng đám tang một người bạn của Ba. Bác ấy mất trong viện dưỡng lão. Thời gian gần đây Ba vẫn có những cuộc “viếng thăm” như vậy. Ba đứng rất lâu trước quan tài người bạn, Ba nói như thì thầm với người nằm trong đó. Khi ra về, ngồi vào xe, thấy tôi có vẻ ái ngại, Ba nói:

“Ba không sao đâu, con gái!”

Tôi nắm chặt bàn tay Ba, an ủi:

“Ba, con biết Ba rất buồn.”

“Phải, Ba rất buồn vì mất một người bạn. Nhưng Ba rất vui vì Ba đã từng có được một người bạn quý như vậy.”

“Ba!”

“Con biết không, bác ấy là một người “chiến sĩ” đúng nghĩa của nó. Tuy là một vị chỉ huy, nhưng bác ấy sống gần gũi với anh em trong đơn vị, sống đúng với nghĩa “chia ngọt sẻ bùi” con ạ. Khi bác ấy qua bên này, bác ấy đi làm cực khổ nhưng vẫn gom góp gửi tiền về giúp các anh thương binh nghèo khổ trong nước. Bác ấy thương đồng đội, thương lính như thế!”

Tôi vui lây với lời kể của Ba, tôi nhắc:

“Ba, Ba cũng thương đồng đội, thương lính vậy. Ba chẳng đã nói rằng Ba còn vô số mảnh nhỏ trong người chưa gắp ra hết, vì Ba che cho lính khi trái mìn nổ.”

Ba cười:

“Ừ, Ba không chết là may!”

Hai cha con về đến nhà. Ba lại ngồi vào bàn viết. Thế mà tôi vẫn cứ lo Ba ủ dột, buồn phiền. Nhìn Ba ngồi gõ bài, bỗng tôi có cảm tưởng Ba đang chạy đua với thời gian. Đừng, Ba ơi! Con muốn Ba sống lâu với con!

4.

Tôi lại đưa Ba đến một nơi. Là bệnh viện. Ba đến thăm một thuộc cấp của Ba ngày xưa. Chú ấy vừa qua một cuộc giải phẫu. Dù còn mệt mỏi, chú ấy tỏ vẻ rất vui khi thấy Ba. Ba hỏi:

“Chú ra sao?”

“Dạ thưa niên trưởng, em… còn sống ạ!

Ba phì cười:

“Tốt!”

“Niên trưởng coi, còn cái chân để cà nhắc qua ngày mà ông bác sĩ cũng lấy luôn. Thiệt khổ ghê!”

Tôi nghe quặn thắt cả ruột. Nhưng hai người anh em kia vẫn trêu nhau vui vẻ. Nước mắt tôi chực trào ra. Chú ấy đã bỏ lại một chân trên chiến trường. Sau này gia đình bảo lãnh chú qua Mỹ sống cũng tạm yên. Cái chân còn lại, do chú bị bệnh tiểu đường, bị hoại tử phải cắt bỏ. Từ nay chú sẽ có thêm một người bạn đồng hành là chiếc xe lăn.

Người vợ mang cháo đến, đút cho chú ăn. Chú còn trêu vợ:

“Anh còn tay mà em!”

Rồi quay sang Ba, chú nói:

“Em còn may mắn quá phải không niên trưởng?”

Ba gật đầu cười. Tôi thấy trong mắt Ba dâng lên một niềm cảm động.

5.

“Con lại đi với Ba chứ?”

“Dạ có, Ba! Anh chị và các cháu cũng đi nữa.”

Lần này là ngày Chủ nhật. Tôi đưa Ba đến nhà sinh hoạt cộng đồng. Đây không những là nơi có những hoạt động tương thân tương trợ mà còn là nơi tổ chức những sinh hoạt văn hóa lịch sử để cho lớp trẻ sinh trưởng trên đất Mỹ tìm hiểu về nguồn cội và không quên mình là người Việt. Theo từng thời điểm trong năm, nhà sinh hoạt tổ chức lễ giỗ các vị anh hùng dân tộc của Việt Nam. Ba cùng quý vị bô lão thắp hương trước bàn thờ Tổ Quốc. Rồi Ba chia sẻ một bài nói chuyện về Hồn Thiêng Sông Núi. Đó là một giá trị thiêng liêng vẫn luôn có trong lòng những người con dân nước Việt. Nhiều người trẻ sau đó đến gặp Ba để nghe Ba khuyên bảo, tâm tình.

Và cũng như mọi lần, khi về đến nhà, Ba lại ngồi vào bàn viết. Ba gõ thư thăm các bạn của Ba ở xa. Tôi mang đến cho Ba một tách cà phê theo yêu cầu. Ba muốn được tỉnh táo để viết nốt chương sách về những ngày khói lửa mà Ba có mặt trong đó. Tôi sợ Ba mệt. Nhưng không, Ba gõ một hơi không nghỉ. Rồi sau đó, Ba kêu tôi lại, bảo tôi ngồi gần bên, nghe Ba nói.

“Tướng Mac Arthur dẫn một câu trong bản ballad nước Anh, một bản “nhạc lính”, khi ông đọc bài diễn văn tại Quốc hội Mỹ trước khi chấm dứt binh nghiệp. “Old soldiers never die, they just fade away.” Câu này nhiều người đã trích lại, đã lấy làm cảm hứng làm thơ, đặt nhạc. Có người thấy câu nói này đầy tính tích cực, tôn vinh người lính. Nhưng cũng có người cho rằng người lính khi về già thật là buồn, như một cái bóng mờ nhạt.

“Những người lính Việt Nam ở thế hệ của Ba, bên chiến tuyến của Ba, có một thân phận rất đặc biệt. Họ đã từng có và rồi như đã mất đi. Họ mất quê hương. Và có khi họ không còn nhìn ra chính mình. Có khi họ nghĩ rằng thà chết đi trên chiến trường lửa đạn khi họ còn là người lính trẻ mà hay. Còn những người lính già, khi sống cuộc đời lưu vong hay ở lại trong nước, họ có những nỗi buồn riêng. Ba có cái nhìn của Ba. Ba nghĩ xa hơn cái thân phận của mình. Ba tin rằng Thượng Đế đặt cho mỗi người một nhiệm vụ, và cho họ ánh sáng để nhìn thấy nhiệm vụ đó. Ba đã chiến đấu với chính mình để thoát ra khỏi sự dằn vặt đến quằn quại sau chiến tranh, tình xót xa đối với chiến hữu, lòng thương nhớ quê hương mà mình đã phải bỏ lại mà đi.”

“Con hiểu Ba. Ba ơi, khi con thấy Ba hết lòng gắn bó với thế hệ trẻ, thương yêu bạn bè đồng đội, con biết người lính già này rất đáng kính. Ba chọn đứng khiêm nhường như một vai phụ trên sân khấu, chỉ mờ đi, nhưng là một điểm tựa rất vững chắc cho chúng con. Con hãnh diện lắm Ba à!”

6.

Hôm nay đẹp trời, nhưng Ba không đi đâu. Ba dành một buổi gọi điện thoại cho bạn bè. Xem ra Ba vui lắm. Tôi chỉ “bị nghe lóm” những câu chuyện của Ba cũng đủ thấy vui theo rồi.

“Ông tướng, còn sống hở? Ông có nghe lời tôi, scan hình gia đình lại chưa? Chưa được hả? Thì kêu “sắp nhỏ” nó giúp mình. Đời này con trẻ giỏi hơn người lớn rất nhiều. Mình đừng có tự ái, kêu nó bày cho. Ông mà làm ra cái album gia đình, chắc chắn ông sẽ vui lắm, mà con cháu sẽ phục ông sát đất. Chúng nó sẽ có tài liệu quý giá về gia đình, không phải ai cũng làm được đâu!”

“Ông bạn già, khỏe không? Sao, quyển hồi ký của ông viết đến đâu? Quên cái gì, bảo tôi. Tôi quên cái gì, sẽ tìm trong tài liệu vậy. Trí nhớ của mình bây giờ nhiều khi không như mình muốn. Nhưng lớp già như bọn mình, viết hồi ký để lại cho con cháu đọc để biết cái đời của mình ra sao, là điều đáng làm, và cũng là để “tập thể dục” cho trí óc của mình nữa. Tôi biết tính ông, thích cái gì trung thực. Viết hồi ký là phải trung thực. Chính vì thế mà tôi rất quý ông đấy, ông bạn!”

“Em, sao rồi? Vết thương cũ lại hành phải không? Anh cũng vậy thôi, trời động là nhức lắm. Biết sao hơn bây giờ? Không ai gánh cái đau giùm cho ai được. Thôi mình chấp nhận em à! Đồng hành với cái đau. Vợ con em khỏe không? Mấy cháu chắc ra trường hết rồi? Các cháu có việc làm chưa?”

“Em, khỏe không? Gia đình thế nào? Bên nhà trời mưa nhiều không? Ngõ vô nhà em chắc ngập hết? Cần gì em cứ nói cho anh biết, đừng ngại. Anh giúp được gì sẽ ráng giúp. Em đừng buồn. Dù cho chế độ đó có ruồng rẫy anh em, nhưng lòng dân vẫn thương quý và biết ơn anh em.”

Tôi vào bếp nấu nướng một lát, quay lại thấy Ba còn chuyện trò trên điện thoại. Ba đi qua đi lại, như một ông thầy giáo đang say sưa giảng bài. Tôi lại được “nghe lóm”:

“Chú à, đến ngày Trời kêu mình đi, thì mình đi thôi. Gánh đời buông xuống. Cốt sao mình sống cho vui vẻ. Vui với gia đình, con cháu nếu có. Vào nursing home cũng chấp nhận. Cũng có những người như con gái tôi vào giúp cho mình, an ủi, ca hát với mình. Ai rồi cũng sẽ ra đi, mình cũng như bao người, không có gì lạ. Chỉ có một điều khác: đó là mình đã từng là người lính. Tôi hãnh diện về điều đó. Tôi không oán hận, mà tin tưởng vào tương lai…”

Ba quay lại, nói với tôi:

“Là chú hôm trước mình vào thăm trong bệnh viện đó con! Sức khỏe khá lên rồi. Mới khoe với Ba là chú ấy đã cầm điện thoại lên, “on air” trên cái đài của chú ấy, đài nói tiếng Việt. “Chì” thật!”



Khi Kịch Sĩ Trump Nhập Vai, Vô Chiêu Thắng Hữu Chiêu- Tác giả Nguyễn Xuan Nghĩa



Donald Trump diễn xuất giỏi, bây giờ mới sống và làm thật!

Chúng ta vừa chứng kiến một bi hài kịch chính trị của Hoa Kỳ, khi tỷ phú Donald Trump bất ngờ thắng cử trước sự bàng hoàng của đa số - kể cả cử tri đã dồn phiếu cho ông. Sau này, giới nghiên cứu sẽ tìm hiểu về các lý do, giới chính trị thì nghĩ ngay tới nhiệm kỳ đầu của Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Vì lãng tai, người viết chẳng sợ súng nên xin có vài ý kiến ba xu về hiện tượng này.

Donald Trump là người có ma lực thuyết phục, là đức tính trời cho. Ông thuyết phục người ta tin vào điều ông nói mà không kiểm chứng - và cũng chẳng cần kiểm chứng. Với đặc tính thiên phú ấy, ông còn là một người giỏi diễn xuất. Nói cho gọn, Donald Trump là kịch sĩ. Điều này chẳng bất ngờ vì ông có show truyền hình của mình. Thứ ba, là người cực kỳ thông minh, Trump cảm nhận được tâm lý quần chúng, hay khán giả, nếu ta nghĩ tới sân khấu kịch nghệ.

Là kịch sĩ, ông không sống với kịch bản do ai đó soạn thảo, ông cứ nhìn xuống cử tọa rồi theo đó mà diễn cho hợp ý khán giả. Các chính khách hay thầy giáo có tài đều phải như vậy: tùy phản ứng cử tọa mà chuyển đạt thông tin, chứ không chúi mũi vào diễn văn hay bài giảng mà độc thoại, nói một mình, cho mình.

Ma lực thuyết phục là lợi thế được Donald Trump tận dụng, để thuyết phục cử tọa hay cử tri, rằng ông là “người của họ”.

Về chính trị thì đấy là nghệ thuật mị dân, được gọi lịch sự là “đại chúng”. Cứ theo ý đám đông mà nói, dù nói ra nhiều điều mâu thuẫn. Cũng về chính trị, hay triết lý chính trị, Donald Trump không có chủ thuyết. Chủ thuyết là chuyện tính sau, may lắm thì… ông đang tính.

Nhờ tài năng đó, Donald Trump nói ra những điều mà rất nhiều người đang nghĩ trong đầu. Ông nói như chẳng suy nghĩ và xúc phạm thiên hạ mà không bao giờ xin lỗi, hoặc cải chính. Chính là nét sống sượng đôi khi vô giáo dục lại càng được cử tọa thấy rằng ông nói thật. Ông đóng kịch là người nói thật và nói lớn cảm nghĩ thầm kín của nhiều người. Mục tiêu là dù chẳng có tổ chức hay phe phái gì trong đảng Cộng Hòa, ông vẫn có quần chúng.

Lực lượng quần chúng đó, hơn là tài mạt sát hay tật trâng tráo, đã giúp ông loại bỏ các đối thủ có thế giá trong đảng. Họ thua ông không vì họ chẳng dám chửi, mà vì họ không nhìn ra sự bất mãn của một số quần chúng đông đảo trong đảng Cộng Hòa. Tức là đảng Cộng Hòa có vấn đề mà các bậc trưởng thượng, thành phần ưu tú có ảnh hưởng trong đảng, lại chẳng nhìn ra.

Truyền thông chính mạch, có tinh thần thiên tả và thiên vị, cũng không làm nổi bật một sự kiện thống kê: mỗi khi Trump xuất hiện, người ta đông đảo tham dự với nhiệt tình, đông đảo và say mê hơn quần chúng tham gia các cuộc vận động của bà Hillary Clinton. Dù có quê kệch thì nhiệt tình đó vẫn là thực tế. Trump hiểu ra thực tế đó, chúng ta thì không nên mới bị ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn nữa khi cử tri phía Dân Chủ lại tham gia bỏ phiếu ít hơn. Họ không say mê náo nhiệt bằng thành phần ủng hộ ông Trump. Bây giờ nhiều người mới ân hận và biểu tình đập phá.

Kịch sĩ Donald Trump cho cử tọa của mình cảm nghĩ rằng đấy là cơ hội để họ làm nên lịch sử, bằng lá phiếu.

Ông có một tổ chức tranh cử luộm thuộm, chi tiền rất ít mà vẫn đạt kết quả bất ngờ trước một đối thủ dày dạn kinh nghiệm và phương tiện, có ban tranh cử toàn những chiến lược và chiến thuật gia có tài đã vận động quần chúng từ cơ sở lên. Nhưng, ngoài những tỳ vết quá lớn của bản thân và gia đình, bà Hillary Clinton còn cho thấy rằng bà là người của quá khứ, với những giải pháp lưỡng đảng của quá khứ - và đã thất bại.

Vì thất bại nên hơn 60% dân Mỹ đang nghĩ rằng quốc gia đi chệch hướng, về cả đối nội lẫn đối ngoại. Kịch sĩ Donald Trump dựng rạp trình diễn vở “Cứu Nguy Nước Mỹ”, và khiến cử tọa trở thành cử tri. Họ nhiệt thành góp phần cứu nguy bằng lá phiếu. Họ cứu nguy vì thấy chính mình trong nỗi nguy đó.

Mọi giáo phái có thể huy động được tín đồ cho một mục tiêu cao cả nhưng xa vời, sau rất nhiều hy sinh khắc khổ. Biệt tài của Trump là nói ra mục tiêu cụ thể thiết thực: trong “cái chung” rất cao cả của tổ quốc Hoa Kỳ, có những “cái riêng” của từng người. Khán giả, cử tọa hay cử tri thấy là chính họ đang tràn lên sân khấu để hoàn tất vở kịch có hậu này - cho bản thân của họ.

Giới nghiên cứu chính trị và xã hội sẽ còn phải đếm lại số phiếu của từng thành phần cử tri để kết luận nhưng vài chi tiết sơ khởi cho thấy hậu thuẫn của Trump không chỉ có đàn ông da trắng ít học và ít tiền. Ông xúc phạm phụ nữ mà vẫn được một số phụ nữ có học ủng hộ. Ông bày tỏ tinh thần kỳ thị di dân lẫn người thiểu số mà vẫn được cử tri gốc Á và Nam Mỹ ủng hộ nhiều hơn ứng cử viên Mitt Romney của bên Cộng Hòa năm 2012.

Nếu có thể nói tới một chiến lược tranh cử thì vào tháng cuối, Donald Trump mới thật sự dàn trận để tranh thủ cử tri tại các tiểu bang xôi đậu mà nhiều người cho rằng đã thiên hẳn về phía Dân Chủ. Ra vẻ uyên bác, có khi người ta nói là ông đánh du kích, lấy nông thôn bao vây thành thị. Thật ra ban tranh cử của ông dồn sức vào các thành phần bị sa sút vì chuyển dịch dân số, vì chuyển động kinh tế của toàn cầu hóa và cả những người ngoan đạo đang e sợ xã hội biến chất vì phong trào “phải đạo chính trị” và nếp văn hóa quá phóng túng của thành phần thượng lưu có học.

Nhưng đấy là chuyện về sau, chứ trong gần một năm trời, ứng cử viên Donald Trump là kịch sĩ làm cho khán giả nhập vai. Vâng, khán giả nhập vai, là điều rất trái cựa!

Bây giờ, đến lượt kịch sĩ Donald Trump thủ vai Tổng thống….

Khi ấy, ta trở về thực tế ngoài sân khấu: Donald Trump là một doanh gia. Biệt tài của ông là có máu con buôn, đã viết sách về nghệ thuật ngã giá! Nói đến ngã giá, các doanh gia đều biết hơn chính trị gia là có cái giá phải trả! Là người diễn vẻ thô lỗ cho quần chúng, tay tỷ phú này không thể không biết luật mà cũng chẳng mơ hồ gì về chính trị nghị trường, là chuyện ngã giá giữa Hành pháp với các phe phái bên Lập pháp trong từng hồ sơ.

Donald Trump có thể thiếu kinh nghiệm chính trị hay quân sự nhưng như mọi doanh gia hay chính khách, ông biết rằng không ai lãnh đạo một mình để tự thân giải quyết cả ngàn hồ sơ của quốc gia. Đấy là công việc của nội các và ban tham mưu mà ông đang thành lập. Kịch sĩ thủ vai nóng nẩy cũng không thể không biết rằng bên kia cũng có nhiều người nóng nẩy - họ đang biểu tình phản đối kết quả bầu cử - và lãnh đạo của họ trong đảng Dân Chủ cũng dàn trận cho cuộc chiến nghị trường đã khởi sự và kéo dài tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2008.

Đấy là khi Tổng thống phải mời kịch sĩ bước qua chỗ khác, chứ không thể đổ dầu vào lửa để làm cử tọa hừng chí.

Từng đề nghị đưa ra khi tranh cử - xây tường ở biên giới miền Nam, trục xuất di dân, từ chối Hiệp ước TPP, hay xét lại Hiệp ước NAFTA, v.v… – sẽ được ban tham mưu của Tổng thống và lãnh đạo Cộng Hòa cân nhắc lại theo lối ngã giá. Cái gì làm được, cái gì không, và làm được thì phải trả giá bao nhiêu, ai trả và bao giờ trả, với hậu quả chính trị là những gì cho các hồ sơ khác? Là doanh gia, ông Trump biết là phải ngã giá với thị trường, tức là gây hậu quả tới lãi suất, thuế khóa và tăng trưởng kinh tế. Là Tổng thống, ông sẽ biết là phải ngã giá với cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Nhìn ra ngoài, ông sẽ biết chánh sách bảo hộ mậu dịch mà ông đề cao sẽ có cái giá về kinh tế lẫn ngoại giao. Về an ninh cũng vậy, giới tướng lãnh, ngoại giao và viên chức bảo an sẽ cho ông biết cái giá phải trả khi muốn xóa bỏ lực lượng khủng bố ISIS, bỏ rơi Liên Âu hoặc đấu trí đấu lực với Trung Quốc, Liên bang Nga, Iran, v.v….

Chủ trương cực đoan quá khích của diễn viên Donald Trump sẽ phương hại cho sự nghiệp của Tổng thống. Khi ấy, kịch sĩ Donald sẽ ngã giá với chính khách Trump. Là người ưa ra vẻ nói thật tới độ phũ phàng, ông sẽ nói thật rẳng mình phải dung hòa, vì quyền lợi tối thượng của Tổ quốc và quần chúng.

Khi ấy, đối lập sẽ kết luận rằng Donald Trump là người giảo hoạt, theo cơ hội chủ nghĩa! Họ biết quá chậm một sự thật bẽ bàng mà bậc trưởng thượng trong đảng Cộng Hòa đã thấy từ vòng sơ bộ của cuộc tranh cử! Khi ấy, nếu nghĩ sâu xa hơn về quá khứ, Donald Trump cũng chẳng khác gì nhiều vị tiền nhiệm đã từng hứa một đàng làm một nẻo.

Nét độc đáo của kịch sĩ có tài là khi nào cũng làm như mình nói thật! Nét độc đáo của Donald Trump là soạn lấy vở kịch cho mình, chứ không dựa vào bài bản của một thế lực nào khác.

Nhờ vậy, ông biến không thành có! Còn lại thì ta sẽ đợi xem vở kịch ngã giá của Tổng thống.

Điện thư của Tim Cook, CEO Apple, gửi nhân viên, sau khi Trump đắc cử



“Tôi có nghe nhiều người trong các bạn bàn tán về cuộc bầu cử hôm nay. Trong quá trình tranh cử giữa 2 ứng viên quá khác biệt nhau, và cả 2 người đều nhận được một lượng phiếu phổ thông tương đương nhau, thật khó để không phát sinh những cảm giác mãnh liệt trong lòng ngay sau khi biết kết quả cuối cùng.

Apple đang sở hữu một đội ngũ các kỹ sư vô cùng đa dạng, trong đó sẽ có những người ủng hộ phe này hoặc phe kia. Thế nhưng, dù mỗi chúng ta có ủng hộ ai, thì cuối cùng, cách duy nhất để tiến lên phía trước vẫn là tiến bước cùng nhau. Tôi muốn nhắc lại một điều mà ngài Martin Luther King Jr. từng phát biểu 50 năm về trước: ‘Nếu bạn không thể bay, hãy chạy. Nếu bạn không thể chạy, hãy đi bộ. Nếu bạn không thể đi bộ, hãy bò, hãy trườn, hay bất cứ cách nào, nhưng hãy đảm bảo là bạn luôn tiến về phía trước’. Đây là một lời khuyên mãi mãi đúng đắn, nhắc nhở chúng ta rằng chỉ khi tiến lên phía trước, chúng ta mới có thể làm được những điều lớn lao và thay đổi thế giới.

Trong khi vẫn còn đó nhiều lời bàn luận về những bất định phía trước, các bạn vẫn có thể tự tin rằng định hướng lâu dài của Apple vẫn không thay đổi. Những sản phẩm chúng ta tạo ra vẫn kết nối mọi người ở khắp nơi, vẫn mang đến cho mọi người công cụ để họ thực hiện những điều tuyệt vời và nâng cao chất lượng cuộc sống. Công ty của chúng ta vẫn sẽ mở rộng cửa cho tất cả mọi người; chúng ta cũng chào đón sự khác biệt của các nhân viên làm việc tại Mỹ hay tại bất cứ nơi nào trên thế giới – bất kể họ trông ra sao, đến từ đâu, thờ phụng tôn giáo nào hay yêu ai thích ai.

Tôi luôn xem Apple như đại gia đình của mình và khuyến khích các bạn hãy trấn an đồng nghiệp nếu thấy họ đang lo lắng.

Hãy tiến về phía trước – cùng nhau!”



Nước Mỹ Đi Về Đâu Dưới Triều Đại Donald Trump? Việt Nam Sẽ Mất TPP Với Chính Quyền Trump? - Tác giả Phạm Trần



Ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump đã đảo ngược mọi dự đóan và vượt qua nhược điểm để đánh bại đối thủ danh tiếng Hillary Clinton trở thành Tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Đây là một biến cố lịch sử của nước Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 08/11/2016 vì ông Trump không phải là chính trị gia chuyên nghiệp; chưa bao giờ ứng cử hay làm việc trong chính quyền; không có kinh nghiệm ngọai giao, quốc phòng và bang giao quốc tế. Ông chỉ là một nhà kinh doanh thành công. Ăn nói không giữ mồm giữ miệng; bị cáo buộc sàm sỡ với nhiều phụ nữ; thích chửi thẳng vào mặt đối phương khi tranh luận như đã chứng minh trong thời gian tranh cử với 16 ứng cử viên khác của đảng Cộng hoà.

Vậy tại sao tỷ phú Donald Trump đã đắc cử và có gì đặc biệt trong thành phần cử tri ủng hộ ông ta?
Trước hết, ông bị các hãng thăm dò ý dân đặt vào vị trí thua cuộc từ 4 đến 6 điểm sau ứng cử viên Dân chủ bà Hilarry Clinton, cựu Ngọai trưởng Mỹ, chỉ 24 giờ trước khi phòng phiếu mở cửa ngày 8/11/2016.

Thứ hai, các nhà tài phiệt và thị trường chứng khóan ở New York đều tin tưởng bà Clinton sẽ đại thắng để tiếp tục bảo vệ, xây dựng và phát triển nền kinh tế thịnh vượng tòan cầu. Họ lo ngại chính sách kinh tế chỉ biết bảo vệ quyền lợi nước Mỹ của ông Trump sẽ cô lập Hoa Kỳ với Thế giới.

Thứ ba, bà Clinton được coi là ứng cử viên phụ nữ sáng giá nhất vì có nhiều kinh nghiệm ở nghị trường (bà từng là Thượng nghị sỹ, 2001-2009) và kinh nghiệm quốc tế trong vai trò cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ (chồng bà là Tổng thống Buill Clinton) và Ngọai trưởng Hoa Kỳ (January 21, 2009 – February 1, 2013 January 21, 2009 – February 1, 2013).

Thứ tư, trước ngày bỏ phiếu, thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton được 60% phụ nữ ủng hộ, so với Donal Trump là 30%. Bà được 85% cử tri da mầu, 75% cử tri di dân gốc Nanm Mỹ (Hispanic) và đa số thành phần cử tri có bằng đại học hậu thuẫn.

Thứ năm, bà Clinton còn được các nhật báo lớn và uy tín của Mỹ như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, the Arizona Republic (khuynh hướng Cộng hòa) và nhiều nhà bình luận tiếng tăm, trong đó có ông George Will (đảng Cộng hòa ) ủng hộ.

Ngược lại, ông Trump bị coi là người không đủ điều kiện và tư cách làm Tổng thống bởi phần đông báo chí Mỹ và chính khách, trong đó có Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và hai cựu ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, John McCain (2008) và Mit Romney (2012).
Thảm hại hơn, ông Donald Trump còn bị nhiều Nghị sỹ và Dân biểu Cộng hoà xa lánh vì sợ dính vào ông ta sẽ khó tái đắc cử. Lý do vì ông Trump ăn nói sỗ sàng, tuyên bố nhiều câu bị lên án là kỳ thị người da mầu, các sắc dân gốc Hồi giáo và làm mất lòng khối cử tri gốc Nam Mỹ vì ông ta đe dọa trục xuất những người cư ngụ bất hợp pháp ở Mỹ. Ông còn hứa sẽ xây bức tường dọc theo biến giới Mexico để ngăn chặn người Nam Mỹ vượt biên giới vào Hoa Kỳ. Ông cho rằng, rất nhiều dân Nam Mỹ xâm nhập nước Mỹ là thành phần trộm cắp, buôn bán ma túy, băng đảng.

Thứ sáu, đối với di dân gốc Hồi giáo, ông Trump chủ trương “đóng cửa nhập cư”, đặc biệt cư dân từ Syria, để ngăn chặn quân khủng bố nhập vào Mỹ. Ông đã bị người Mỹ gốc Hồi giáo tố cáo kỳ thị và vô nhân đạo.

Thứ bảy, Đặc biệt hơn, cả gia đình 2 cựu Tổng thống George H. Bush (cha) và Gorge W. Bush (con) và cựu Thống đốc Florida, Jeff Bush đã tẩy chay ông Trump trong suốt cuộc tranh cử. Vì vậy, ông Trump phải vận động tranh cử một mình. Ngược lại, bà Clinton đã có cả một lực lượng vận động hùng hậu gồm vợ chồng Tổng Thống Obama, Phó Tổng thống Biden và chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton.

VŨ KHÍ BÍ MẬT

Do đó, với đường lối tranh cử “chọc giận” và ít được ủng hộ như thế chỉ có một thiểu số nhà bình luận Cộng hòa hay “tay chân” của ông Trump đã phỏng đóan ông Trump sẽ thắng cử. Hầu hết các chuyên gia bầu cử và báo chí, khi coi thường khả năng thắng của của ông Trump, đã làm ngơ một yếu tố quan trọng đã giúp ông Trump đắc cử. Đó là khối cử tri da trắng không có bằng đại học, đặc biệt thành phần dân lao động ở ngọai ô và dân quê.

Những cử tri da trắng này tự thấy họ đã bị giới lãnh đạo truyền thống và kỳ cựu của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ bỏ quên trong nhiều năm. Vì vậy, có rất nhiều cử tri đòi hỏi phải thay đổi, phải có một người mới để làm sạch sẽ chính quyền. Do đó, khi thấy ông Trump cũng có quan điểm và quyết tâm giống mình thì họ đã nhìn vào ông Trump như một chiếc phao giữa đại dương. Nhiều người Mỹ da trắng chưa bầu cử bao giờ cũng đã bảo nhau ghi danh dồn phiếu cho ông Trump.

Khi tranh cử ông Donald Trump còn đòi phải thay đổi tận gốc rễ lề lối làm việc và chính sách đối nội và đối ngọai của nước Mỹ.

Về đối nội, ông ủng hộ quyền người dân được có vũ khí để tự vệ nhưng hứa sẽ bảo vệ an ninh cho dân và chống mọi hình thức khủng bố hay phá họai.

Ông chủ trương phải ưu tiên bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ khi nói đến mậu dịch với các nước, nhất là đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn và Mexico. Ông hứa sẽ buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân Tệ để chấm dứt bất lợi cho hàng xuất cảng của nước Mỹ cũng như nhập hàng Trung Hoa vào Hoa Kỳ.

Nhà tỷ phú Donald Trump chỉ trích chính sách mậu dịch của chính quyền dân chủ thời Tổng thống Bill Clinton, tiêu biểu là thỏa hiệp NAFTA (North American Free Trade Agreement), ký năm 1994 giữa Hoa kỳ, Canada và Mexico đã gây thiệt hại cho nước Mỹ. Ông hứa sẽ xem xét lại NAFTA. Ông cũng gay gắt lên án chính sách kinh tế của chính quyền Obama đã làm cho nhiều đại công ty của Mỹ “di tản” ra nước ngoài, trong đó có Mexico, Trung Quốc và Việt Nam khiến nhiều dân Mỹ không có công ăn việc làm. Ngược lại các nước này lại giầu lên, phần lớn tái xuất cảng hàng vào nước Mỹ.
Ông cũng hứa sẽ đem việc làm trở về nước Mỹ, chấm dứt thời kỳ xuất khẩu công ăn việc làm của dân Mỹ sang làm giầu cho nước khác.

Vì vậy, ứng cử viên Donald Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ để chống bà Clinton, người mà họ coi như nối nghiệp chính sách thất bại của ông Obama.

Theo cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CBS, ông Trump được 53% đàn ông da trắng ủng hộ so với 41% dành cho bà Clinton. Ông Trump cũng được tới 53% phụ nữ da trắng ủng hộ, so với bà Clinton là 43%.

Đài CBS kết luận: “Ông Trump cũng được một đa số 72% đàn ông da trắng không có bằng đại học ủng hộ, trong khi bà Clinton chỉ được lối 23%.”

Trong số phụ nữ da trắng không có bằng đại học thì ông Trump có tới 62% ủng hộ so với bà Clinton là 34%. Số phần trăm đàn ông da trắng có bằng đại học ủng hộ Donald Trump là 54%, so với bà Cliton 39%.

Trong khi đó thì số cử tri da mầu tại các tiểu bang quan trọng như North Carolina, Michigan, Florida, Lousiana, Georgia lại đi bầu ít hơn 5% so với hai cuộc bầu cử năm 2008 và 2012, khi ông Obama thắng cử dễ dàng.

Ngoài ra, thành phần cử tri trẻ ở độ tuổi sinh viên hay mới tốt nghiệp là lực lượng nồng cốt của “liên hiệp Obama” (Obama coalition) trong 2 cuộc bầu cử 2008 và 2012 và của ứng cử viên Tổng thống, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, từng là đồi thủ của bà Clinton trong cuộc bầu cử sơ bộ, lại đi bỏ phiếu ít hơn sự trông đợi của bà Clinton.

Thêm vào đó, sự bất mãn của một số không nhỏ cử tri đối với sự tăng giá của bảo hiểm sức khỏe Obama Care cũng đã đóng góp vào thất bại của bà Clinton. Ông Trump thì chủ trương bỏ Obama Care để đưa ra một chính sách bào hiểm bớt tốn kém hơn cho người dân.

IRAN-ISIS-NATO-TPP

Trên bình diện Quốc tế, ông Trump chủ trương “thương thuyết lại” thoả hiệp kiềm chế Iran chế tạo vũ khí nguyên tử (The Iran Nuclear Deal, 2015), là thành công của chính quyền Obama, nhưng ông cho rằng không có lợi cho nước Mỹ mà chỉ làm lợi cho Iran.

Thỏa hiệp này được ký kết giữa Iran và nhóm các nước gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga, cộng thêm nước Đức (P5+1).

Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng chủ trương các nước nhận sự bảo vệ của Hoa Kỳ như nước Đức, Nhật Bản và Nam Hàn, v.v… phải đóng góp phí tổn cho nước Mỹ chứ không thể tiếp tục để cho nước Mỹ tiếp tục tiêu hao công qũy như hiện nay.

Ông cũng muốn rà soàt lại khối NATO (Liên phòng bắc Đại tây Dương) để buộc các nước phải đóng góp phần mình vào chi phí, thay vỉ để cho nước Mỹ chịu hết.

Tuy nhiên, đối với lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS (the Islamic State of Iraq and and the Levant (ISIL) còn có tên là Islamic State of Iraq and Syria (ISIS) thì ông Trump chỉ hứa sẽ đưa ra một chính sách lọai trừ nhóm này có hiệu qủa hơn chính sách nửa với” của chính quyên Obama. Tuy nhiên, khi chỉ trích chính quyền Obama và ứng cử viên Hilarry Clinton đã thất bại tiêu diệt ISIS và chỉ giúp cho ISSIS lớn mạnh hơn thì ông Trump lại không có kế họach rõ rệt phải làm như thế nào.

Hồi tháng 3/2016, trong cuộc tranh luận với các ứng viên khác của đảng Cộng Hòa, ông Trump từng lên tiếng ủng hộ ý kiến của tướng Lloyd Austin III, đứng đầu Bộ chỉ huy Trung ương (the head of U.S. Central Command), đề nghị gửi từ 20,000 đến 30,000 quân Mỹ vào chiến trường Syria và Iraq để tiêu diệt lực lượng ISIS.

Chính quyền Obama, kể cả ứng cử viên bà Clinton đều chống gửi quân Mỹ vào chiến trường.
Riêng đối với Hiệp dịnh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) mà Việt Nam đã ký và chờ đợi Quốc hội phê chuẩn, Ông Trump là người đã chống đối quyết liệt.

Ông cho rằng Hiệp định này không có lợi cho Mỹ, vì vậy ông sẽ “đình chỉ TPP” (cancel it).
Quốc hội Hoa Kỳ cũng chưa thông qua TPP.

Riêng vấn đề Biển Đông và vai trò của Hoa Kỳ đối với chính sách bành trướng quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này thì ông Trump chưa hề nói một lời.

Như vậy, với những gì ông Donald Trump tuyên bố khi còn là ứng cử viên, liệu ông có hành động như đã hứa hay sẽ phải xét lại cho phù hợp với thực tế của tình hình, sau khi ông nhận chức ngày 20/01/2017?

Thêm vào đó, hành động của chính quyền Donal Trump còn phải được Quốc hội chấp thuận. Mặc dù đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát cả Hạ và Thượng viện, nhưng không vì thế mà chính sách của ông Trump sẽ dễ dàng được thông qua.

Trở ngại của chính quyền Trump không chỉ đến từ các Dân biểu và Nghị sỹ đối lập của đảng Dân Chủ, mà ngay trong đảng Cộng Hòa. Tiêu biểu như hai thượng Nghị sỹ Ted Cruz (Texas) và Marco Robio (Florida), là những người từng là đối thủ tranh cử Tổng thống với ông Trump hay như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người từng đối nghịch với ông Donald Trump trước khi ông đắc cử.-


Bài giảng: Vai trò của người công giáo với vận mệnh Dân Tộc, của Lm Nguyễn văn Khải







Phiếm luận thua cuộc bầu cử: Chỉ có tại Hoa Kỳ - Tác giả Giao Chỉ



1) Mở đầu:
 
Sau 3 tháng vạn lý trường chinh ngang dọc Hoa Kỳ, hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa cùng kéo về New York chờ đếm từng lá phiếu cuối cùng tại Florida. Kết quả mỗi bên đều được trên 59 triệu phiếu bầu. Người đàn bà bị ghét bỏ nhất thiên hạ lại được số phiếu phổ thông tổng cộng toàn quốc nhiều hơn đối thủ là 226 ngàn và 836 phiếu. Nhưng ông Trump lại được 279 phiếu cử tri đoàn trở thành tổng thống đắc cử trong cuộc đua lịch sử 2016 với kết quả Ngựa về ngược. Cú điện thoại lịch sử nửa đêm về sáng bà Clinton gọi Trump nói rằng:”- Tôi chấp nhận thua cuộc, xin chúc mừng và mong ông thành công trong sứ mạng tổng thống Hoa Kỳ.” Chỉ sau một đêm, ngôn ngữ đầu đường xó chợ lập tức được thay thế bằng ngôn ngữ ngoại giao cao quý. Ông tỷ phú thương gia tuyên bố rằng: Tôi vừa nhận được điện thoại của bà ngoại trưởng Clinton. Ông ca ngợi Bà là phụ nữ đã có thành tích đấu tranh kiên trì và trải qua nhiều năm đóng góp cho nước Mỹ.. Té ra tất cả những tin tức bùn lầy ném lên mặt người đàn bà tranh cử dù đúng hay sai bỗng trở thành tin ảo. Bất chấp đâu là chân lý, cử tọa của phe Cộng Hòa đa số là những người Mỹ trắng đội mũ đỏ reo hò với những khẩu hiệu USA màu xanh dường như trong một phút huy hoàng lấy lại được nước Mỹ cho người Mỹ. Phía bên đại hội Dân Chủ, những phụ nữ Hoa Kỳ đủ mọi sắc tộc đầm đìa nước mắt khóc thương cho cuộc thất bại không phải cho một chính đảng mà cho chính thân phận đàn bà. Hình ảnh cuối cùng là những người đàn bà Dân Chủ ra về trong lúc bình minh New York ló dạng nhưng tương lai vẫn tưởng là lúc hoàng hôn. Ông Trump tuyên bố sẽ xây bức tường nổi tiếng ngăn chặn biên giới Mễ Tây Cơ, nhưng sự thực chỉ trong một đêm chiến thắng, ông nhà buôn tỷ phú đã xây xong bức tường chia đôi lòng người Mỹ quốc. Người dân Mỹ bao gồm tất cả các nguồn gốc sẽ phải cùng nhau hàn gắn lại vết thương này. Trước hết cần phải biết rõ đầu đuôi.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết xin quý độc giả bằng hữu vui lòng nghe câu chuyện ngắn chúng tôi trả lời cho cô Carol một nhà báo quen biết tại Campbell:
 
Hỏi. Ông đã bỏ phiếu chưa. Đáp: Xong rồi, tôi chọn bà Dân Chủ Clinton. Thua rồi. Hỏi: Tại sao ông lại chống Cộng Hòa, ông Trump có phải là người yêu nước không? Đáp: Ông Trump rất yêu nước Mỹ, nhưng trong nước Mỹ đó không có chúng tôi. Hỏi: Trump có khác gì các vị tổng thống trước đây:. Đáp: Ông sẽ là tổng thống vĩ đại đem lại nước Mỹ hùng cường. Ông tuyên bố như thế. Nhưng nếu ở thời Johnson, ông đã bỏ Việt Nam từ năm 1965. Nếu Trump ở thời ông Ford, Hoa kỳ không nhận chúng tôi đến tỵ nạn năm 75. Nếu Trump ở thời Carter sẽ không có thuyền nhân đến Mỹ. Nếu Trump ở thời Reagan sẽ không có HO với tù cải tạo ra đi. Donald Trump là người yêu nước Mỹ. Nhưng là nước Mỹ của riêng ông. Hỏi: Bây giờ có tổng thống mới, ông nghĩ sao? Đáp: Phương ngôn Việt Nam có câu.. Ván đã đóng thuyền. Mình cũng ở chung trên một con thuyền. Tổng thống cầm lái, mình phải theo. May mà nước Mỹ còn có tư pháp và lập pháp giữ cho chính quyền điều hành hợp lý. Từ tay buôn bán trên thương trường, ông Trump bước vào chính trường sẽ phải học bài mới. Học được rằng, nước Mỹ không phải của riêng mình ông. Nước Mỹ của tất cả mọi người. Dù sao tôi vẫn cứ lạc quan với tương lai Hoa Kỳ. Trong việc bang giao quốc tế, đảng Dân Chủ và Obama chơi bàn ngửa. Nhún nhường, lễ độ, lịch sự và bao dung. Trải qua 8 năm để cho thiên hạ bắt nạt nhưng cuộc sống của dân Mỹ tạm yên trong khung cảnh thái bình. Không phải đem xác lính Mỹ từ các mặt trận về nước.Bây gọi đến lượt tổng thống Trump chơi bài xấp. Coi thường thiên hạ, dấu kín quân bài. Doạ dẫm các đối tác làm ăn trên thế giới để mang lợi nhiều hơn về cho nước Mỹ. Ông đóng vai bá quyền cho các nước kính nể, để nước Mỹ sẽ hùng mạnh hơn. Tôi mong như vậy, chờ xem… Cảm ơn ông. Vâng cảm ơn cô…
 
2) Kể chuyện từ đầu
 
Khởi đi từ năm 2015 cuộc tranh cử giữa 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã chuẩn bị ráo riết. Cộng Hòa đang nắm trọn vẹn quyền lập pháp với đa số tại 2 viện. Lịch sử chiếm ngự Bạch Cung thay đổi giữa lưỡng đảng như một lịch trình bất thành văn. Hiếm khi nào giữ độc quyền quá lâu. Chẳng cần lý do, cử tri muốn thay đổi. Ông Bush con cầm quyền 8 năm chinh chiến với trận Trung Đông đã đến lúc phải thay quân. Năm 2008 lần đầu tiên Hoa Kỳ có vị tổng thống một nửa gốc Phi Châu. Dù trận đấu tranh cử giữa 2 bên không có gì tàn bạo, nhưng ông Bush bàn giao Nhà Trắng cho ông Mỹ đen mà trong bụng không vui. Như lạ thay mấy năm sau hai gia đình này trở nên thân thiết. Rồi hai nhiệm kỳ 8 năm của ông Obama trôi qua tương đối nhẹ nhàng theo chủ trương của đảng Dân Chủ. Nhưng xem chừng phe Cộng Hòa bảo thủ không chấp nhận đường lối quá rộng rãi. Dân chủ mở rộng cửa cho di dân, xuống thang hòa bình nhiều nơi trên thế giới. Các nước bắt đầu coi thường vị trí đàn anh của Mỹ. Hoa Kỳ không còn vĩ đại nữa. Dân Chủ lại chủ trương quá nhẹ nhàng với dân nhập lậu. Mua chuộc di dân sắc tộc để lấy phiếu và đóng vai hiền lành với Hồi giáo. Chủ trương này hoàn toàn khác với đường lối bảo thủ của đảng Cộng Hòa và nguyên nhân tiềm ẩn là làm khối da trắng miền Đông và Trung Mỹ rất bất mãn. Tâm lý kỳ thị thì sắc dân nào cũng có, nhưng người da trắng 10 năm qua vẫn hậm hực từ lâu. Kỳ này quyết tâm lấy lại Bạch Cung để đem lại trật tự mới cho Hoa Kỳ. Làm cho nước Mỹ mạnh trở lại. Nếu cứ đi theo con đường này thì tương lai nước Mỹ không còn như xưa nữa. Người Mỹ trắng thực sự có lý khi lo lắng như vậy. Đảng Cộng Hòa bèn xuất chiêu với 16 vị anh tài rất nhiều kinh nghiệm trên con đường chính trị và thêm một ông tỷ phú Donald Trump là tay ngang, dường như chỉ ghé chơi cho vui. Không dè ngang tàng công tử một sớm một chiều hạ hết các ngôi sao của Cộng Hòa làm cho toàn đảng phải nao núng xét lại thế trận. Nghĩ rằng kỳ này nếu đem Trump ra đấu thì thua là cái chắc. Trong khi đó phe Dân Chủ chọn được nhân vật vô cùng xuất sắc nguyên đệ nhất phu nhân, cựu thượng nghị sĩ và đã từng 4 năm làm ngoại trưởng Hoa Kỳ. Rõ ràng là nhân vật nữ lưu đã từng có thành tích tranh cử từ thượng viện lên đến tổng thống.
 
3) Ngựa về ngược.
 
Hai bên dàn trận. Tin tức hấp dẫn mỗi ngày. Mở đầu toàn quốc đều cho rằng bà Clinton sẽ vượt trội. Tất cả báo chí, TV, truyền thông loan báo Poll lên Poll xuống đều kết luận phe bà Dân Chủ thắng phe ông Cộng Hòa. Bên Cộng Hòa đã bắt đầu có nhiều danh tướng bỏ cuộc để Trump đánh một mình. Nhưng sân khấu càng về khuya xem ra tình thế càng nguy hiểm. Trump có thể thắng và sẽ trở thành một lãnh tụ rất nguy hiểm cho Hoa Kỳ. Dân chủ và Cộng Hòa đều đồng ý. Ông chủ trương các đường lối hết sức đáng ngại. Rút quân Mỹ từ các nước về, xem lại các hiệp ước và cam kết của Hoa Kỳ trong vai trò cảnh sát thế giới. Rút cả tiền bạc viện trợ và các ngân khoản đóng góp cho toàn cầu. Gồm cả tiền nuôi NATO và chương trình bảo vệ môi sinh thế giới. Ông ngăn chặn di dân vào Mỹ bằng luật lệ và ông tống xuất dân lậu ra khỏi nước. Ông xây tường không cho Mễ chui rào qua biên giới và bắt Mễ trả tiền. Mọi đường lối của Trump đều là những cuộc cách mạng và không thể tiên đoán hậu quả. Tình trạng đáng lo đến nỗi cả 5 vị tổng thống của lưỡng đảng đều quan tâm tìm các ngăn chặn ông ứng cử viên một mình một ngựa đang tung hoành ngang dọc. Phe Dân Chủ vào những ngày chót cảm thấy bất an đã đưa toàn lực hai gia đình Obama và Clinton dùng Air Force One đi thuyết giảng tất các các vùng xanh đỏ còn đang chen nhau như xôi đậu. Đêm cuối cùng vợ chồng ông Obama và vợ chồng ông Clinton cũng xuất hiện trên sân khấu Pennsylvania xuất sắc và cảm động. Tưởng rằng kỳ nầy Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ có tổng thống đàn bà. Ai ngờ ngựa về ngược. Ngay cả Penn vốn là thành trì của Dân chủ mà cũng quay lưng. Kết quả làm toàn quốc, toàn thế giới ngạc nhiên. Đảng Dân Chủ không ngờ mà đảng Cộng Hòa cũng không ngờ. Sau cùng chính Donald Trump cũng không ngờ. Tay anh hùng trên thương trường. Coi thường đàn bà, Coi thường truyền thông, coi thường chính khách, coi thường tướng lãnh, coi thường thế giới, coi thường các nguyên tắc dân chủ. Con người có bàn tay chuyên sờ soạng và mồm ưa nói bậy. Con người kỳ thị tiềm ẩn. Độc tài trong gia đình và độc tài trong tổ chức . Biết đóng vai trò nổi bật hấp dẫn, nói toàn chuyện không ai dám nói. Con người đó đã chiến thắng nhân vật xuất sắc nhất của đảng Dân Chủ với 30 năm kinh nghiệm trong cuộc đời chính trị tại Hoa Kỳ. Để vào Bạch Cung chỉ cần 270 phiếu cử tri đoàn. Suốt 2 tháng dài báo chí tiên đoán bà Clinton đã cầm chắc 268 vé vào cửa. Chỉ còn 2 vé phù du nữa là cựu phu nhân Bạch Cung sẽ trở lại mái nhà xưa với tư cách chủ nhân, để ông chồng chủ cũ nay trở thành đệ nhất phu quân. Lịch sử sẽ ghi lại là lần đầu tiên Hoa Kỳ có hai vị tổng thống ngủ chung một giường, Nhưng chuyện đó không xảy ra. Bà Clinton chỉ được có 228 vé. Ông Trump được 279 vé, Ông sẽ đem cả cô vợ Melania di dân gốc Slovenia, quần áo rất đơn giản. Nàng vào Nhà Trắng lần đầu và sẽ ở lại khá lâu. Ông vẫn còn thừa 9 vé.
 
4) Những con số lạ lùng
 
Quý vị có biết không. Điều an ủi cuối cùng nhưng rất thừa thãi vô ích là chính bà Clinton được tổng cộng 59 triệu 938 ngàn và 290 phiếu cử tri nhiều hơn ông Trump 233 ngàn và 404 phiếu. Ông này chỉ được 59 triệu, 704 ngàn và 886 phiếu. Như vậy xét về tấm lòng của từng người đi bỏ phiếu thì bà Clinton đã chiến thắng. Nhưng bà đã gọi cú điện thoại đau lòng vào đêm hôm trước để chúc mừng đối thủ mà đã có lúc chỉ muốn vân vân…Trong hàng trăm bài diễn văn suốt hành trình tranh cử, sau cùng Hillary đã đọc bài diễn văn ngắn nhất và hay nhất. Bài diễn văn từ giã và cảm ơn. Về quá khứ bà nói nước Mỹ có truyền thống dân chủ phải giữ cho việc chuyển giao quyền hành êm đẹp. Phải cùng nhau yểm trợ cho tân tổng thống. Về tương lai bà nói với thế hệ tiếp nối, đặc biệt các em gái. “-Sẽ không ngừng tranh đấu. Bây giờ dành cơ hội cho người ta. Rồi cơ hội của chúng ta sẽ đến. Có khi đến sớm hơn mình mong đợi.”- Chúng ta có thể nghĩ rằng phải chăng nếu tổng thống thứ 45 chưa phải là phụ nữ thì sẽ phải là vị tổng thống thứ 46. Lại xin nói thêm về những con số cần lưu ý. Nước Mỹ hiện có 323 triệu dân. Số người đủ điều kiện đi bầu là 210 triệu. Ghi danh đi bầu khoảng 150 triệu. Thực sự đi bầu khoảng 120 triệu. Như vậy thì một nửa nước Mỹ đã có những giấc mơ khác với nửa kia.
 
5) Lưỡng đảng và Quốc Cộng. Chúng tôi vốn từ lâu ghi danh Cộng Hỏa. Làm công dân Mỹ khá lâu, đã biết Cộng Hòa Dân Chủ chẳng anh nào chống Cộng hơn anh nào. Đảng nào, người nào cũng vì nước Mỹ. Chẳng anh Mỹ nào là người đích thực trách nhiệm bỏ rơi Việt Nam. Ông Mc.Cain là thí dụ cụ thể. Người anh hùng của Mỹ quốc lái phi cơ bị bắn tại Hà Nội. Ông tuyên bố không hề chống Cộng. Chỉ làm nhiệm vụ cho đất nước. Ông bị bắt làm tù binh và bị hành hạ ghê gớm nhất nhưng vẫn giữ được khí phách dù bị đánh gần chết. Từ khi vào nghị trường Hoa Kỳ, ông chủ trương hòa giải với Hà Nội cũng vì quyền lợi của nước Mỹ. Trong tinh thần chống Cộng quyết liệt chúng ta có thể coi ông là thành phần phản bội. Nhưng chính Mc.Cain là người mở đường cho biết bao anh em tù Cải tạo qua Mỹ cùng gia đình. Cay đắng hơn nữa với biết bao gian khổ hy sinh cho đất nước, ông tân thống thống oanh liệt của chúng ta chưa từng một ngày mặc áo lính đã chê bai Mc.Cain rằng ở tù thì có gì mà anh hùng. Vì vậy không có đảng nào và không có con người nào chống Cộng hơn cả. Nhưng tấm lòng nhân đạo thì đảng Dân Chủ có đấy. Chính đảng Dân Chủ với ông Johnson đã mở cửa đón đám dân di tản Việt Nam 75 qua Mỹ từ 65 ngàn mà đưa lên đến 135 ngàn đợt đầu tiên. Chính đảng Dân Chủ với ông Carter đã ra lệnh cho tàu Mỹ vớt thuyền nhân và đưa cấp khoản nhận ty nạn lên tối đa. Ông lại còn nói cho cả thế giới tiếp tay. Nếu không có tấm lòng mở rộng của nước Mỹ thì chúng ta không có mặt ở xứ này. Đơn thuần là tấm lòng nhân đạo của người Mỹ. Bây giờ chúng ta ủng hộ ông tổng thống mới chủ trương đóng cửa rút cầu, lòng dạ có thấy nao nao. Vì vậy chúng tôi xin đóng vai vô đảng phái. Chẳng chạy theo mà cũng chẳng phản lại đảng nào. Chúng ta là dân da vàng đến muộn, lấy tình cảm gì mà cứ làm như ta là Hoa Kỳ thứ thiệt chạy theo xu hướng kỳ thị. Chê Mỹ đen và dân Mễ chui rào. Trăm năm trước những bàn tay và tấm lưng da đen cúi xuống cánh đồng bông trắng đã làm nên nước Mỹ. Bây giờ dân Mễ phải chui rào để trở về tìm miếng ăn trên chính quê hương cũ của họ. Cũng lại phơi lưng trên những cánh đồng Cali hay đẩy những xe bán kem trên khắp nẻo đường nắng cháy. Làm sao nỡ lòng theo ông Trump tống xuất họ đi đâu.
 
6) Chuyện Cali và các tiểu bang.
 
Trong số 50 tiểu bang tại Mỹ, Cali là nơi đông dân nhất. Tách ra khỏi Hoa Kỳ, Cali cũng là một cường quốc. Với 55 cử tri đoàn, dân CaLi đã bỏ phiếu hơn 60 phần trăm cho bà Clinton. Bà là tổng thống riêng của Cali. Đất nầy mãi mãi là đất của Dân Chủ. Dân Việt ở Cali đỡ bị kỳ thị nhất vì dưới ánh sáng của Dân Chủ. Cả hai miền Nam Bắc CA, kỳ này có rất nhiều dân cử gốc Việt, cũng nhờ vào tinh thần bao dung của đảng Dân Chủ. Nhìn sang tiểu bang Texas, thành trì của đảng Cộng Hoà, đang hết sức phân tán. Xứ của các tay Cowboy, thế giới của họ Bush hai đời tống thống Cộng Hòa nhưng lại không phải thật sự đa số phiếu dành cho Cộng Hòa. Với 38 vé cử tri đoàn, Texas chỉ có 52 phần trăm bỏ cho Trump và lên đến 43% dành cho Clinton. Tiểu bang Florida mới thực là chìa khóa của cuộc tuyển cử. Thoạt đầu Dân Chủ dẫn trước rồi cứ tiếp tục lên xuống cho đến giờ chót kết quả Clinton 47% so với Trump 48%. Nếu Dân Chủ thắng tại đây với 29 phiếu cử tri đoàn thì hai bên không ai có được đủ con số 270. Như vậy bầu cử sẽ được tổ chức lại vòng thứ hai tại hạ viện. Tại đây bà Clinton sẽ có nhiều hy vọng chung kết.
 
7) Tại sao thua? Bây giờ xin đặt ra câu hỏi cuối cùng. Tại sao các tiểu bang bản lề vào giờ chót đều đem lại chiến thắng cho ông Trump dù là cách biệt không đáng kể. Báo chí Hoa Kỳ, các chính khách đều nói là giới trung lưu, giới bình dân, giới lao động vì không bằng lòng với cuộc sống hiện nay nêu dồn phiếu cho Cộng Hòa để thay đổi không khí. Tất cả đều không nhắc đến yếu tố hết sức thực tế và then chốt là số cử tri da trắng trẻ trung xuất hiện đã làm nên lịch sử. Trong đó tiềm ẩn tinh thần kỳ thị biểu lộ bằng lá phiếu là con đường hợp lệ nhất. Buổi tối đón chờ kết quả cho thấy hình ảnh hàng ngàn thanh niên toàn da trắng đội mũ đỏ giơ cao tấm bảng USA, USA nói lên khát vọng đem nước Mỹ hùng cường trở lại với người Mỹ thực sự. Nước Mỹ USA này là nước Mỹ trăm năm của những người khai phá đã trở thành bản địa. Đó là chủ trương tiềm ẩn của Cộng Hòa. Phe Dân Chủ đã đưa tinh thần Mỹ quốc đi quá xa, chủ trương quá rộng rãi và dành quá nhiều cơ hội cho các sắc dân khác không phải người bản địa. Người ta bất mãn và trả lời bằng cách ra quân bỏ phiếu. Nói ra sự thực không phải là chủ trương chia rẽ mà cần hiểu rõ nguồn cơn để ăn ở với nhau cho phải đạo. Đó cũng là lý do tại sao có các cuộc biểu tình chống Trump hiện đang xảy ra tại New York, Oaland, San Francisco phần lớn do các sắc dân thiểu số và di dân tham dự. Báo chí hỏi một tay chủ trương xuống đường rằng định đấu tranh đến bao giờ. Câu trả lời là 4 năm. Những người chiến thắng biết rõ tại sao nhưng không nói ra. Những người thua cuộc cầm bảng đả đảo Trump kỳ thị đã biết rõ sự thực và nói lên nguồn gốc của vấn đề. Thành phần Mỹ trắng ra mặt bỏ phiếu cho Trump thừa biết rằng ông Trump không phải là thần thánh giải quyết được mọi khó khăn của đất nước. Họ bỏ phiếu cho nỗi giận hờn của chính họ. Một người ở Texas ủng hộ ông Trump được hỏi là ông có tin là tân tổng thống sẽ xây được bức tường ngăn chặn giữa hai quốc gia không. Trả lời rằng chúng tôi chỉ muốn xây bức tường trong lòng người chứ không phải bức tường gạch. Tường Bá Linh với hai lần xây gạch rào dây kẽm gai và mìn bẫy, với các trạm gác mà cũng còn có người vượt qua thì làm sao mà giữ được.
 
8) Bài toán cho tương lai
 
Cuộc bầu cử kỳ này đã mở ra những trang sử đen tối và những vấn nạn vô cùng lớn lao. Suốt thời gian qua hai bên đã dùng những lý lẽ và ngôn ngữ đầu đường xó chợ để trao đổi. Chỉ qua một đêm, mọi người chợt tỉnh dậy dùng lại ngôn ngữ ngoại giao. Từ con mẹ khốn nạn Hillary bỗng lại trở thành bà ngoại trưởng Clinton, bà là người đã có một thời gian lâu dài đóng góp cho Mỹ quốc. Đó là lời lẽ của ông Trump, ai bảo ông không biết nói lịch sự và hợp lý. Rồi đây chúng ta mong rằng lời hô hào hai đảng hợp tác để xây dựng lại nước Mỹ sẽ là sự thực. Giúp cho Trump và giúp đảng Cộng Hòa bây giờ chính là đảng Dân Chủ. Những trận ném bùn vào mặt nhau đã qua rồi, may mà chưa đổ máu. Da trắng kỳ thị đã ra quân mang lại chiến thắng cho Cộng Hòa, cả nước đã biết đá vàng rồi. Hãy buông hòn đá hận thù trong tay để cầm lại kìm búa lao động. Trận đánh nhau trong tinh thần dân chủ tại Hoa Kỳ được coi như Thắng Vinh quang mà Bại cũng Anh hùng. Nước Mỹ đã có Tổng thống mới. Hoa Kỳ đã chán chường với các chính trị gia nay tìm được ông nhà buôn suốt đời chỉ biết có lợi nhuận. Xin đừng nghĩ chúng ta có vị thần làm phép lạ. Trước sau ông này vẫn là con người lời nói không bắt buộc phải đi đối với việc làm. Chúng ta chỉ mong đúng như thế. Sẽ không có bức tường nào được xây. Sẽ không có chương trình tống xuất quy mô dân Mễ. Sẽ không rút quân từ các tiền đồn Nhật Bản, Đại Hàn, và Phi về lại Mỹ Quốc. Sẽ không bỏ hiệp ước ngăn chặn cũ để cho Iran quay lại tiếp tục chế bom nguyên tử. Sẽ không rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO. Mong rằng chúng ta sẽ có một ông tổng thống để dọa dẫm để làm áp lực, mà không cần làm thực. Mong cho mọi chuyện đừng thái quá. Giữ cho các mâu thuẫn quân bình là hạnh phúc rồi. Nói mà không làm . Đao to búa lớn, xem ra chúng ta sẽ có được vị tổng thống đúng nhu cầu. Quân tử nhất ngôn như Hillary là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại như Donald là quân tử khôn. Chuyện chỉ xẩy ra tại Hoa Kỳ. Sao cũng được, miễn là không cắt cổ đổ máu khi thay đổi chính quyền. Bốn năm hay tám năm rồi cũng qua mau. Tâm bình, thế giới bình.