khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Nghe Xuân Ca, nhớ nhạc sĩ Phạm Duy - Tác giả Tuấn Khanh (Saigon)




                                                                     



Tuấn Khanh phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy năm 1996
 
 
CÂU 1. Thưa nhạc sĩ, nếu có thể tóm tắt đời mình trong một câu nói, thì ông sẽ nhận định như thế nào về cuộc đời hoạt động và sáng tác đầy những thăng trầm biến động của ông ?ÐÁP : Tôi là một người hát rong, sung sướng được làm người hát rong của thế kỷ.

CÂU 2. Trong những năm tháng còn ở quê nhà, người ta tìm thấy một Phạm Duy xuất hiện ở khắp nơi; từ chuyện tranh đấu cho đến những du ca buồn cho đất mẹ đang oằn mình bởi chiến tranh và bom đạn, những khúc tình ca thoáng ẩn hiện cho nỗi buồn chia cắt đất nước, những bài tục ca thời thượng với đám trẻ hippi... đâu đâu cũng có dấu chân ông. Xin được hỏi, ông đã tìm thấy nơi mình bản chất là một nhạc sĩ đơn thuần đau lòng trước vận nước hay là một người hoạt động xã hội, một người muốn làm chính trị và sử dụng tài năng âm nhạc vào mục đích đó ?

ÐÁP : Người hát rong đã suốt đời không nhận làm một chú hề cho vua chúa (bouffon du roi), đã chọn người dân là đối tượng, rồi trong một thời loạn lạc chia ly đã tự nguyện làm người ''khóc cười theo mệnh nước nổi trôi'' thì làm sao mà im tiếng hát trước những buồn vui của dân tộc được ? Trong một nước có quá nhiều biến cố chính trị như nước ta, tôi cũng công nhận rằng nhiều phen tôi bị chính trị bủa vây, nhưng tôi đã cố gắng tránh nó... Không biết tôi có tránh nổi nó chưa ? Hay cứ bị người ta đeo vào mình hết nhãn hiệu này tới nhãn hiệu khác ?

CÂU 3. Thưa nhạc sĩ, người ta nhìn thấy ông lên tiếng oán trách bạo quyền, đau xót cho khổ nạn của dân tộc này nhưng ông lại không đứng về một phe nào. Vậy giờ đây ông có thể nói rõ hơn - Phạm Duy là ai ? và điểm tựa cho những phát ngôn đó (bằng lời hay bằng ca khúc) của ông là ở đâu ?

ÐÁP : Ủa? Thế mà tôi cứ tưởng lập trường của tôi đã quá rõ: Tất cả tác phẩm của tôi, kể từ những bài TÌNH CA QUÊ HƯƠNG (1952) -- và nhất là những bài TÌNH TỰ DÂN TỘC -- qua những TRƯỜNG CA (1954, 1960), TÂM CA (1965) -- và kể cả TỤC CA nữa (1968) -- tới HOAN CA (1970), TỔ KHÚC (1990), suốt trong gần nửa thế kỷ, ở trong hay ngoài nước, tôi luôn luôn đứng vào một phe tuyệt đại đa số, đó là PHE DÂN TỘC. Tôi chưa hề đứng trong một đảng phái nào, một tổ chức chính trị nào hay một bộ máy Nhà Nước nào cả. Nhưng không may cho tôi, nước Việt Nam là nơi có sự tranh chấp quá lớn và quá dài, đảng nào, nhóm nào cầm chính quyền rồi thì cũng đòi hỏi văn nghệ sĩ phải ngoan ngoãn chạy theo... Và nếu không theo thì là chống đối, thôi thì tôi đành chấp nhận cái logic đó vậy !

CÂU 4. Ông có tin rằng mình đã gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Việt Nam và thực sự đã góp phần ít nhiều tác động vào nó (bằng cá tính của mình, bằng lời ca tiếng đàn của mình) ?

ÐÁP : Tôi cũng muốn tin như vậy nhưng trong thực tế, lời ca tiếng hát nhỏ nhoi của lũ nghệ sĩ chúng tôi không có tác động gì tới thời cuộc, ngoài việc có thể làm rung động trái tim hay lương tâm con người.

CÂU 5. Ðược biết năm 1986 là giai đoạn khủng hoảng rất lớn của ông, xin ông cho biết thêm về sự khủng hoảng đó. Một trong những lý do chính có phải là nỗi buồn xa xứ không ?

ÐÁP : Ðó là lúc, cũng như hầu hết những người xa xứ, tôi quá mệt mỏi vì trong suốt trong 15 năm, tôi chưa ra khỏi cơn chấn động và tự dìm mình vào loại nhạc than vãn với bài TÌNH THU là một ví dụ. Nhưng ít lâu sau đó, tôi bỗng nhìn thấy trong thế giới có nhiều sự đổi thay khiến cho nước tôi rồi cũng sẽ phải được giải quyết theo một chiều hướng tốt... Thế là tôi vươn ra khỏi những tình cảm chật hẹp để soạn 10 bài hát cho những năm 2000, đó là 10 BÀI RONG CA.

CÂU 6. Ðã có bao giờ ông tiếc nuối vì đã xa quê hương không ? Nỗi buồn xa xứ hiện diện bên trong ông đã tác động như thế nào đến ca khúc và sự sáng tác của ông ? Những suy nghĩ của ông về quê nhà nói chung như thế nào ?

ÐÁP : Ai xa quê hương mà chẳng tiếc nuối? Càng xa quê hương lại càng yêu quê hương hơn -- nghe lại điệp khúc bài TÌNH HOÀI HUƠNG đi ! Nhưng nghệ sĩ là hạng người thường thích bay nhẩy, tôi lại có máu giang hồ từ nhỏ, và ra với thế giới thì lại học hỏi được nhiều, tôi chưa bao giờ hối hận là đã ra đi. Nhưng cuộc ra đi nào cũng phải có ngày về. Về lúc nào và ra sao là tùy mỗi người. Tôi hi vọng sẽ gặp lại quê hương và hát cho đồng bào nghe, trước khi chết.

CÂU 7. Ông đã có thời kỳ là một người cộng sản. Bây giờ đây khi nhớ lại, ông có cảm giác như thế nào ? xin ông nói cho biết thêm về những tháng ngày đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản, chẳng hạn một kỷ niệm nào làm ông phải suy tư về nó nhiều nhất.

ÐÁP : Tôi là người đi theo Mặt Trận Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản.

CÂU 8. Ðã có bao giờ bao giờ ông cảm thấy hối hận vì một điều gì đó chưa, kể cả trong tình yêu và trong chính kiến, nếu có xin ông cho biết qua về tâm cảm đó.

ÐÁP : Sống rất phóng túng và nhất là sống trong một thời đại rất náo động thì -- hoặc ít hay nhiều -- tôi có thể đã làm nên những điều lầm lỗi. Tôi rất muốn được xin lỗi nhiều người.

CÂU 9. Cái ước muốn lớn nhất của ông ở tuổi 76 là gì, thưa nhạc sĩ ?

ÐÁP : Là cứ được sống như thế này, mãi mãi. Xin sức khỏe đừng quá mau xút giảm. Mong cứ được đi hát đều đều, nay Paris, mai Sydney, mốt Tokyo... biết đâu chẳng có ngày Hà Nội hay Hải Phòng ? Ứơc ao vẫn được sống với nguồn cảm hứng dồi dào để soạn nốt ba bức MINH HOẠ còn lại của TRUYỆN KIỀU. Và nhất là vẫn còn đủ thì giờ nhàn rỗi để chơi với cháu ngoại...

CÂU 10. Ông đã từng một lần mơ trở về quê hương và hát cho đồng bào nghe ? Có người cho rằng cuộc sống êm đềm và đầy đủ ở hải ngoại của ông khiến ông không còn màng chuyện cố hương...

ÐÁP : Người đó là ai? Cho tôi đối chất. Bộ ông này tưởng về quê hương đi hát dễ quá à ? Giới thiệu cho tôi một ông bầu đi !

CÂU 11. Vào cuối thập niên 80, giới nhạc sĩ ở Việt Nam đã có lần từng xôn xao vì nghe được câu phát biểu của ông trên đài BBC về trường ca Bầy Chim Xa Xứ của mình ''những người đã ra đi là sơn ca, họa mi... còn những người ở lại là cú, quạ...'', xin ông nói rõ hơn ý nghĩa của câu phát biểu này ?

ÐÁP : Tôi không phát biểu câu đó. Có thể là người phụ trách chương trình của Ðài đã chỉ cho nghe đọan đầu của tổ khúc chăng? Nếu nghe toàn thể tổ khúc thì sẽ thấy bài hát gồm hai phần, phần đầu là một cơn ác mộng khiến cho bầy chim phải bỏ xứ ra đi, phần sau là một giấc mơ hồng để bầy chim hồi xứ, cùng với tất cả loài chim, chim hiền cũng như chim dữ, cùng nhau làm lại mùa Xuân của dân tộc. Trong bài hát, tôi cũng khẳng định có chim hiền để ca hát thì cũng cần có chim dữ để giữ biên cương chứ !

CÂU 12. Thưa nhạc sĩ, hãy thử tưởng tượng nếu 20 năm nay ông ở lại trong nước hoạt động và sáng tác, liệu ông có làm được nhiều hơn (hay ít hơn) những gì ông đã làm được ở hải ngoại ?

ÐÁP : Trong giới soạn nhạc, ai cũng mơ ước đưa nhạc mình từ nhạc đơn điệu (monodique) lên nhạc đa điệu (polyphonique) thì, từ nhiều năm qua, tôi và Duy Cường có cơ hội ở một nước kỹ thuật cao như Hoa Kỳ để có thể đi vào lãnh vực điện toán rồi áp dụng nó vào âm nhạc. Tôi nghĩ rằng về hình thức, nhạc của tôi tiến hơn thời 75. Tôi vẫn thường nói 20 năm qua là 20 năm đi du học của tôi.

CÂU 13. Trong album Mẹ Năm 2000, người nghe cảm nhận được một điều gì đó thật buồn bã báo trước một cuộc chia tay lớn, thưa ông, điều gì đã làm cho cho ông đi đến những chiêm nghiệm về cái chết và sự sống như vậy? Nó có phải là sự tổng kết một kinh nghiệm cuộc đời đứng trông những muộn phiền, buồn vui của cõi nhân gian ?

ÐÁP : Anh muốn nói tới album 10 BÀI RONG CA mang tên NGƯỜI TÌNH GIÀ TRÊN ÐẦU NON ? Xin được thưa với những người yêu nhạc rằng: Có ba con người trong tôi, (1) con người tình cảm soạn ra những bản tình ca cho đôi lứa, (2) con người xã hội soạn nhạc khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. (3) Con người thứ ba là con người tâm linh với những tác phẩm ra đời từ xưa như LỮ HÀNH, XUÂN HÀNH, ÐẠO CA, THIỀN CA v.v... thì 10 BÀI RONG CA là những bài hát về một chuyến đi tâm tưởng. Chuyến đi của đời người trên giòng nhạc tư duy. Hành lý là con tim mở ngõ, chốn đến là tự thức an nhiên. Là một quay lưng không bận bịu. Là một trở về rất vô tư. Là những bài hát ''nghiêng tai nghe lại cuộc đời''...
10 BÀI RONG CA nói nhiều tới sự chết cho nên có thể làm cho người nghe thấy buồn nhiều hơn vui chăng ? Cho tới nay, có khá nhiều bài viết về nó. Sẽ có dịp tôi mời mọi người đọc những bài này, trước khi đích thân tôi biểu diễn RONG CA cho qúy vị nghe.

CÂU 14. Nửa thế kỷ Việt Nam biết đến một Phạm Duy với đủ các hình thức và thể loại, tư duy. Nó bao gồm trong đó là tâm ca, thiền ca, đạo ca, tình ca... và cả tục ca. Thưa ông, ông chọn thể loại nào là phần đắc ý nhất của mình -- và ông có thể cho biết suy nghĩ và nguyên nhân nào đã đưa ông đến sự đa dạng đó ?

ÐÁP : Trong ba loại nhạc mà tôi đã nói qua trong câu trả lời trước, lúc này tôi thích soạn nhạc tâm linh hơn, vì nó mới thực sự là tôi bây giờ. Ðã là kẻ lão niên rồi (phương ngôn Pháp nói : il faut savoir vieillir) thì làm gì còn có những bồng bột của tuổi thanh niên để soạn nhạc tình cảm hay có những đam mê của tuổi trung niên để soạn nhạc xã hội nữa...

CÂU 15. Ðể nói một lời tạ lỗi và một lời cảm ơn đến một ai đó trong đời mình, ông sẽ chọn ai ? Vì sao ?

ÐÁP : Xin tạ lỗi cùng quê hương vì phải bỏ đất nước ra đi sinh sống tại Thị Trấn Giữa Ðàng (Midway City). Xin cảm ơn những ai còn hát nhạc phạm duy. Xin mang ơn tất cả những người tình tóc xanh, tóc vàng, tóc đỏ... và tóc trắng.

CÂU 16. Trong các ca khúc của mình, thưa nhạc sĩ, ông đã nói rất rõ những gì mà đời mình suy tư, nhưng một lần nữa xin ông hãy cho biết ông đã tổng kết được gì qua non một thế kỷ của một dân tộc chịu khổ nạn chiến tranh của Pháp, Mỹ rồi đến cuộc huynh đệ tương tàn và giờ đây là cái ách của chiến tranh ý thức hệ ?

ÐÁP : Trong những cuốn HỒI KÝ, tôi đã tâm sự rằng : vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân thì nước ta lâm ngay vào cảnh chia đôi hai miền rồi trở thành nơi đấu tranh của hai thế lực quốc tế. Ðến khi thế giới đã giải quyết xong vấn đề của thế kỷ và chỉ còn lại một đế quốc mà thôi... thì nên có sự giải hoà giữa người Việt để chúng ta xây dựng đất nước.

CÂU 17. Ông có nuối tiếc vì còn chưa làm xong một điều gì đó cho thế hệ sau của người Việt ?

ÐÁP : Tôi sẽ không có gì để nuối tiếc cho tôi, vì tôi đã làm xong công việc ca hát của tôi rồi. Tôi khởi sự cuộc đời hát rong bằng dân ca kháng chiến và sẽ kết thúc sự nghiệp bằng Kiều. Tôi chỉ thật sự nuối tiếc cho nước ta nếu việc đoàn kết dân tộc chưa xong.

CÂU 18. Một vấn đề khác thuộc về lịch sử âm nhạc Việt Nam, xin nhạc sĩ cho biết về sự xuất hiện đầu tiên tân nhạc Việt Nam thuộc về ai ? Trên hình thức nào (hát cho công chúng hay sáng tác bản nhạc tân nhạc đầu tiên) ? Xin cho biết thêm về thời gian và các sự kiện chung quanh.

ÐÁP : Xin mời coi Internet-Mạng Lưới Hoàn Cầu (W.W.W), http:// Kicon.com/PhamDuy, sẽ thấy bài viết về Lược Sử Tân Nhạc trong đó tôi nói tới Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn là hai người gây ra phong trào Âm Nhạc Cải Cách vào năm 1938, mở đầu cho Tân Nhạc Việt Nam. Ðưa Lược Sử Tân Nhạc lên Internet có lợi hơn là in trong sách, vì với nhu liệu real-audio, ta có thể nghe được bản nhạc...

CÂU 19. Xin ông cho biết thêm về quan điểm của mình đối với các nhạc sĩ thế hệ cùng lứa của mình như Văn Cao, Lê Thương, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương.

ÐÁP : Tôi có kỷ niệm riêng với từng người và lúc nào cũng thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc khi nhớ tới các bạn vong niên đó. Tôi chỉ có cách hay nhất để gặp lại họ, là vinh danh công trình đóng góp của họ vào Nhạc Sử Việt Nam trong loạt bài trên INTERNET. Tôi ước mong anh em đọc được những bài viết của tôi...

CÂU 20. Trong suốt thời gian ở hải ngoại, ông đã không ngừng theo dõi và nghiên cứu nền âm nhạc trong nước. Xin nhạc sĩ cho biết ông tìm thấy được một hứa hẹn nào cho âm nhạc Việt Nam trong lớp nhạc sĩ và sáng tác trong nước từ sau năm 1975 đến nay. Với cả hai câu trả lời có và không, xin nhạc sĩ nói rõ quan điểm của mình.

ÐÁP : Tuy theo dõi và nghiên cứu nền âm nhạc trong nước để soạn những chương trình âm nhạc cho vài Ðài Phát Thanh, nhưng tôi thấy việc làm của tôi còn thiếu sót vì lẽ dản dị là tôi không sống thường xuyên ở trong nước. Xin trả lời một cách rất phiến diện và rất vắn tắt là : Nhạc sau 75 thiếu những hứng khởi của nhạc thời 40-50 hay những suy tư của nhạc thời 60-70. Tôi xin lỗi nếu nhận định này chưa đúng với thực tại.

CÂU 21. Năm 1996, ông nhận được một tưởng thưởng lớn cho cuộc đời sáng tác và hoạt động văn nghệ của mình, đó là việc được đưa toàn bộ tác phẩm và cuộc đời lên mạng Internet quốc tế. Ðây là một trong những vinh quang mà chưa có nhạc sĩ nào trong lịch sử âm nhạc Việt Nam nhận được. Theo ông, điều gì đã khiến cho ông nhận được sự trân trọng như vậy ?

ÐÁP : Có gì là vinh quang đâu ? Với tôi, hoạ chăng chỉ là nhọc nhằn mà thôi ! Sở dĩ tôi phải đưa tác phẩm của mình vào multimedia và lên Internet là vì : giữa tôi và quần chúng Việt Nam có một bức tường thời gian và không gian khá kiên cố, xây nên bởi sự nghìn trùng xa cách quê hương và lòng hẹp hòi của một số ngưòi nào đó. Vào lúc cuối của cuộc đời, khi thấy không có một nhạc viện nào làm công việc bảo tồn (conservatoire là conserver mà) -- dù chỉ là một ca khúc nho nhỏ như bài NHẠC TUỔI XANH chẳng hạn -- thì tôi đành phải ''tự lưu trữ'' và ''tự phổ biến'' tác phẩm của mình vậy. Nhờ tôi tự học về điện tử từ nhiều năm trước nên tôi đã nhẩy được vào địa hạt multimedia (phát hành đĩa CD ROM đầu tiên của Việt Nam) và hôm nay thì tôi leo lên được Mạng Lưới Toàn Cầu để vượt qua những bức tường ngăn cản đó đi. Tôi làm được việc này là vì chịu khó học hỏi...

CÂU 22. Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, xin ông cho biết qua về hai khuynh hướng sáng tác âm nhạc đơn điệu (monodique) và âm nhạc đa điệu (polyphonique) trong quãng đời sáng tác của mình, hai khuynh hướng này đã đem đến những nét đặc biệt nào trong âm nhạc của Phạm Duy nói chung ?

ÐÁP : Tôi có cho in ra một tài liệu khá dài về điểm này. Xin đọc phần phụ bản đính kèm, sau phần trả lời phỏng vấn.

CÂU 23. Thưa nhạc sĩ, giả dụ ông đã không ra đi, ở lại trong nước và tiếp tục cuộc đời nghệ thuật của mình sau 75 thì theo ông thì liệu các sáng tác của ông có ra đời nhiều hơn hiện nay không? Tư tưởng sáng tác của ông có gì khác biệt? Hay chỉ có môi trường sống hiện nay mới là lý tưởng cho ông hoạt động nghệ thuật?

ÐÁP : Ở đâu và lúc nào cũng thế, không có sự thay đổi trong lý tưởng của đời tôi là: chỉ muốn đóng vai trò một ca nhân tầm thường hay vĩ đại của Việt Nam trong nhiều thuở.

CÂU 24. Sáng tác đầu tay của ông ra đời vào năm nào, tên gì, có chịu ảnh hưởng của ai ? Xin ông cho biết thêm về hoàn cảnh chung quanh việc ra đời tác phẩm đó. So với những ca khúc sau này, thưa nhạc sĩ, sự khác biệt của chúng là gì ?

ÐÁP : * Tôi mở đầu sự nghiệp soạn nhạc bằng cách phổ bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính vào năm 1942. Lúc đó tôi mới 20 tuổi và đang ở với mẹ tại Hưng Yên, một tỉnh nhỏ êm đềm ở Bắc Việt. Muốn biết thêm về nó, xin đọc cuốn HỒI KÝ I của tôi mang tựa đề THỜI THƠ ẤU - VÀO ÐỜI. So với những ca khúc sau này, đó là một bài hát ngây thơ nhất, trong sáng nhất, dễ thương nhất...

CÂU 25. Xin nhạc sĩ cho biết nguồn cảm hứng nào đã đưa ông đến những số lượng sáng tác phẩm đồ sộ như vậy, vì sao ? Trong một số ca khúc của ông có phong cách rất lạ, gần như là hát nói (chẳng hạn như bài Kỷ Niệm), xin ông cho biết thêm về hình thức này. Ðây có phải là một khuynh hướng sáng tạo có chủ định của ông hay chỉ là vô tình mà hình thành những tác phẩm như vậy, lâu nay chưa nghe ông bình luận về hình thức này trong các tác phẩm của ông ?

ÐÁP : Tôi có may mắn làm một ca nhân của một trong những quốc gia sôi động nhất thế kỷ và nhất hoàn cầu. Từ khi biết nói, biết hát và biết soạn bài hát... không một lúc nào tôi im tiếng hát ! May mắn hơn nữa, không ai ngăn tôi ca hát cả. À quên, cũng có người muốn ngăn, nhưng không ngăn được đâu. Vấn đề còn lại là tiếng hát tự do và đa dạng đó, trải qua nhiều giai đoạn, có phản ảnh tiếng lòng của người dân hay không, có trung thực hay không ? Tôi soạn bài KỶ NIỆM vào khoảng 1970, vào lúc -- cũng như nhiều người khác-- tôi thấy cuộc sống Việt Nam quá ê chề và muốn quay về với tuổi thơ. Cho nên nó cũng trong sáng, cũng êm đềm gần bằng nhạc phẩm đầu tay của tôi là CÔ HÁI MƠ. Và vì nó quá giản dị nên anh đã nghe nó như một bài hát nói.

CÂU 26. Một số sáng tác phẩm của ông sau năm 1975 ở hải ngoại, theo nhận xét của một số người, là mang tư tưởng chống Cộng. Xin ông nói rõ hơn việc ra đời những bài hát như vậy là thực sự nhằm vào mục đích chống Cộng hay chống những sai lầm từ một số người, hay chỉ là sự phản ứng có tính giai đoạn trước một vấn đề của dân tộc nhìn từ phiá suy nghĩ cá nhân ông ?

ÐÁP : Như tất cả những người phải bỏ nước ra đi vào tháng 4/1975, tôi sống trong tâm trạng của một người đã mất cả cuộc đời -- trong đó có sự mất ba căn nhà và bốn người con trai -- và dù rằng chưa bị nếm mùi học tập cải tạo trước khi ra đi, tôi cũng đã đau khổ vô cùng và sự đau khổ đó phải được diễn tả qua những tác phẩm của tôi vào thời đó. Xét trên bình diện chính trị thì đó là những bài ca chống Cộng, xét theo văn nghệ thì đó là những bài hát ''khóc than theo mệnh nước và cho mệnh người''.

CÂU 27. Nếu có một phép lạ nào đó cho ông trở lại từ đầu với những tháng ngày kháng chiến chống Pháp, ông sẽ hành động sau đó như những gì mình đã từng làm hay sẽ làm khác đi ? Ông có bao giờ hối hận về những điều mình đã làm - ca khúc Bên Cầu Biên Giới chẳng hạn, có phải là chất chứa sự ray rứt giữa các chọn lựa với một chút hối hận, luyến tiếc ?

ÐÁP : Nếu có một bà phù thủy đẹp đẽ hay xấu xí nào bắt tôi phải đóng lại cuốn phim ấy thì tôi cũng sẽ hành động như thời xưa mà thôi, nghĩa là vẫn đem thể xác đi theo cuộc chiến với những anh hùng ca nơi chiến khu Việt Bắc và vẫn giữ được hồn mình với bản tình ca bên cầu biên giới. Có gì ghê gớm đâu mà phải hối hận hay luyến tiếc ?

CÂU 28. Chỉ là một nghệ sĩ - vâng, chỉ có vậy thôi - thậm chí chỉ là một kẻ hát rong, nhưng ông có cảm thấy mình quá nặng nợ với dân tộc và đất nước Việt Nam, vượt quá vai trò của một nghệ sĩ bình thường không ? Ðiều gì đã làm đưa đẩy ông đến tư thế này từ mấy thập niên qua ?

ÐÁP : Thành thực mà nói, tôi không có thì giờ để đặt tâm trí vào việc xét xem tôi nợ ai và ai nợ tôi trên cõi đời này -- ngoại trừ việc tôi còn nợ bao nhiêu tiền nhà băng để mua căn nhà đang ở -- và lại càng không hề nuôi cao vọng vượt qua vai trò một nghệ sĩ bình thường -- tôi đã chẳng luôn luôn chỉ nhận mình là kẻ hát rong đó sao ? Ðiều đưa đẩy tôi đến tư thế mà anh nhìn thấy có lẽ cũng rất giản dị : tôi là người mang bệnh workcoholic, bệnh mê làm việc -- ''tham công tiếc việc'', nói theo người Việt Nam mình !

CÂU 29. Hiện nay, được biết nhạc sĩ đang theo đuổi một công trình âm nhạc lớn là phổ nhạc toàn bộ truyện Kiều của Nguyễn Du. Ðiều gì đã đưa ông đến ý tưởng sáng tạo táo bạo như vậy ? Ðây sẽ là trường ca cuối cùng trong đời ông để lại cho thế hệ sau ? Vì sao ông lại chọn truyện Kiều mà không tiếp tục các ca khúc suy tư với hiện thực quen thuộc của mình mà lại chọn một đại thi tập của người xưa ?

ÐÁP : Tôi vào đời ca nhân bằng dân ca kháng chiến. Tôi muốn kết thúc nó bằng cách phổ nhạc những đoạn KIỀU. Ðiều này minh định với anh và với những người yêu nhạc : tôi là ai ? Tôi là người của dân tộc Việt Nam (dù đã sống hơn 20 năm ở đất ngoài). Tôi không dám cả gan phổ nhạc toàn bộ trên 3000 câu thơ của cụ Nguyễn Du đâu, tôi chỉ có ý định soạn bốn bản minh hoạ (illustration) KIỀU với một PROLOGUE và một EPILOGUE. Nhờ sự đóng góp qúy báu của người con thứ Duy Cường trong phần hoà âm, phối khí... việc minh họa của tôi chỉ cốt ý thăng hoa những vần thơ Kim Vân Kiều. Ví dụ trong khi thi sĩ chỉ có 6 chữ để diễn tả cảnh ''cỏ non xanh ngát chân trời'' thì nhạc của chúng tôi phải cho người nghe thấy được cánh đồng bát ngát cỏ xanh đó... Ngoài ra, trong nhiệm vụ hoá giải những oan khiên Việt Nam, sau những tác phẩm nhỏ nhoi của tôi như CON ÐUỜNG CÁI QUAN, MẸ VIỆT NAM, BẦY CHIM HỒI XỨ... tôi muốn lấy thêm tác phẩm vĩ đại của cụ Tiên Ðiền ra để làm nơi gặp gỡ cho những người Việt Nam đang muốn tìm lại nhau, thương yêu lại nhau, sau 50 năm khinh thị thù ghét lẫn nhau... Lấy truyện Kiều làm nơi tự tình là một điều tuyệt diệu !

CÂU 30. Nếu được chọn một ca khúc duy nhất của mình, đại diện cho con người và cuộc đời sáng tác của mình để khắc vào bia đá cho thế hệ sau, thưa nhạc sĩ, ông sẽ chọn ca khúc nào ? Vì sao ? (nếu được xin cho một vài phân tích chi tiết).

ÐÁP : Anh bạn trẻ tuổi của tôi ơi, âm nhạc chỉ cần được nghe thấy rồi quên đi mà không cần phải khắc đá đâu !

CÂU 31. Trong album Người Tình Già Trên Ðầu Non, bài hát Ngụ Ngôn Mùa Ðông của ông có phải là một bản tóm tắt lịch sử chiến tranh tương tàn của người Việt ? Xin ông nói thêm về những suy nghĩ của ông khi cho ra đời ca khúc này ?

ÐÁP : Bài NGỤ NGÔN MÙA XUÂN -- mà trong bià băng cassette in sai là MÙA ÐÔNG -- không chỉ là một bài hát cho số phận một nước Á Ðông nhỏ lúc đang còn là lá bài của các đế quốc Nga, Tầu và Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh... mà còn có thể hát lên ngay bây giờ ở Bosnia, nếu có lời ca bằng tiếng Nam-Tư. Vấn đề cần nói là : đã tới lúc tai qua nạn khỏi rồi mà tại sao có người vẫn cứ giả câm, giả điếc, giả mù ???

CÂU 32. Giả sử nhặt ra hình tượng người phụ nữ từ một ca khúc bất kỳ nào đó của các tác giả Việt Nam (trong mọi thời kỳ), rất dễ nhận thấy sự khác biệt với hình tượng người phụ nữ trong các ca khúc của ông : người phụ nữ tự do hơn, thơ thới hơn và đôi khi quyến rũ đầy nhục cảm nhưng lại rất thăng hoa. Ðây có phải là tư tưởng sáng tác có chủ đích từ đầu của ông ? Xin ông nói thêm về hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của mình.

ÐÁP : Xưa rày, tôi vẫn cho rằng người đàn bà đẻ ra cuộc đời, đẻ ra vĩ nhân... cho nên trước khi xưng tụng vĩ nhân hay cuộc sống, chúng ta hãy xưng tụng MẸ. Trong Tân Nhạc Việt Nam, có lẽ tôi là người đầu tiên và bền bỉ đưa ra những huyền thoại về Mẹ : BÀ MẸ QUÊ, BÀ MẸ GIO LINH, BÀ MẸ PHÙ SA, MỘT MẸ TRĂM CON, MẸ VIỆT NAM, RU MẸ, LỜI RU BÚ MỚM NÂNG NIU, MẸ MARIA, MẸ QUÁN THẾ ÂM, MẸ NĂM 2000 vân vân... Trong cuộc đời có nhiều cuộc tình lang chạ, đối với những người tình, nhiều khi tôi chỉ muốn xưng con với các bà, các cô ấy thôi !

CÂU 33. Ông cho rằng con người của Phạm Duy thuộc về ba giai đoạn là tình ca, xã hội và tâm linh. Giờ đây các ca khúc của ông nghiêng về khuynh hướng tâm linh, thế nhưng thưa nhạc sĩ, trong từng ca khúc tâm linh của ông vẫn phảng phất đâu đó tình ca và xã hội. Dường như ông chưa thể dứt bỏ hoàn toàn được ? Xin ông cho biết thêm.

ÐÁP : Chia ra ba loại ca là để phân định ranh giới chứ làm sao mà một trong ba loại ca này lại chẳng vương vấn ít nhiều tính chất của hai loại kia ?

CÂU 34. Thưa nhạc sĩ Phạm Duy - trong suốt quãng đời không bằng phẳng của mình - âm nhạc đã đem nghị lực đến cho ông hay chính ông đã đem nghị lực vào trong các tác phẩm của mình ?

ÐÁP : Cái này bổ xung cho cái kia, tôi chắc thế ! Trong sinh hoạt nghệ thuật ở trong nước thời trước, nhiều khi cảm thấy phong trào đi xuống thì tôi đẩy nó lên... Chẳng hạn vào lúc nhạc thương mại hoành hoành (1965) trong khi mọi người bị hận thù và chiến tranh làm cho tha hoá thì tôi phản ứng bằng những bài tâm ca, thế là có ngay phong trào du ca và nhạc phản chiến hưởng ứng hình thức tâm ca của tôi ! Trong những ngày đầu tiên đi tị nạn ở Hoa Kỳ, nếu có đôi ba lần tôi chán nản thì tiếng đàn tiếng hát giúp tôi hồi sinh...

CÂU 35. Nếu được, xin nhạc sĩ cho một vài nhận định và so sánh ngắn về sự phát triển (tương đồng và khác biệt) giữa nền âm nhạc của cộng đồng người Việt hải ngoại và người Việt trong nước từ sau 1975 đến nay ?

ÐÁP : Nhận định và so sánh hai dòng nhạc trong nước và hải ngoại, đối với tôi vào lúc này xét ra không cần thiết vì nó có thể tạo nên sự xích mích. Vả lại, tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự như câu hỏi này rồi ! Lúc này, ta chỉ nên chắp tay nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng mau tới, để chúng ta cùng nhau hát cho hoà bình và tình yêu.

CÂU 36. Ông có lạc quan về nền âm nhạc của người Việt (nói chung) trong tương lai ?

ÐÁP : Xin nói lại : Ta chỉ nên chắp tay nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng mau tới, để chúng ta cùng nhau hát cho hoà bình và tình yêu.

CÂU 37. Thưa nhạc sĩ, có ý kiến cho rằng ông là một người có tài nhưng kiêu ngạo và cố chấp. Ông nghĩ sao về nhận định này ?

ÐÁP : Về tính kiêu ngạo, có thể nhận định đó đúng ! Vì tôi được khá nhiều bạn bè viết về mình từ thập niên 70 cho tới nay như Georges Etienne Gauthier, Tạ Tỵ, Xuân Vũ, Trần Văn Ân, Nguyên Sa, Ðoàn Xuân Kiên, Thụy Khuê, Võ Văn Ái v.v... thì lẽ dĩ nhiên hai cái lỗ mũi của tôi phải nở ra rất to. Tôi đã phải đi sửa mũi nhiều lần rồi ! Nhưng có thể nhận định này rất sai, vì tôi chưa hề nhận một mề đay hay một giải thưởng nào của ai cả, nhất là chưa nhận mình là nhạc sư, nhạc sĩ mà chỉ xin được làm một kẻ hát rong mà thôi... Thế là kiêu ngạo à ? Về tính cố chấp, chỉ có những người đang cố chấp với tôi mới gán cho tôi đức tính đó. Tôi mà cố chấp thì chẳng bao giờ buông lời cám ơn tác giả cuốn ''Phạm Duy Ðã Chết Như Thế Nào'' hay sẵn sàng quên đi những lời vu cáo nặng nhẹ đến từ những người cố chấp trong 50 năm qua.

CÂU 38. Nếu được trở về Việt Nam trong yên ổn, điều gì ông sẽ làm đầu tiên, thưa nhạc sĩ ?

ÐÁP : Tôi chưa biết sẽ làm gì, nhưng biết chắc chắn rằng tôi nên ''làm thinh'' là hơn cả !

CÂU 39. Ðược biết ông đã viết xong cuốn hồi ký IV nói về những năm tháng sống ở nước ngoài sau 1975, nhưng lại được biết rằng ông chừa lại phần kết thúc cho đến khi được quay về Việt Nam. Nếu không về được, tập hồi ký này sẽ được chôn kín mãi mãi. Thưa nhạc sĩ, ông có thể giải thích điều này ?

ÐÁP : Ba cuốn HỒI KÝ trước của tôi đều được kết thúc bằng một biến cố lớn như sự chấm dứt của chế độ thực dân Pháp (HỒI KÝ I), sự di cư vào Nam của gia đình tôi (HỒI KÝ II) và sự tôi phải bỏ nước ra đi (HỒI KÝ III)... Tôi cũng muốn HỒI KÝ IV được in ra vào một biến cố quan trọng khác trong đời tôi : đó là lúc tôi lên đường trở về quê hương đất nước. Tôi chưa về được nên sách chưa phát hành. Tôi tin rằng nó sẽ được phát hành nay mai.

CÂU 40. Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, Ông định nghĩa thế nào về một Phạm Duy đầy triết lý với những bài ca tâm linh, thanh thoát và một Phạm Duy rất đời thường qua các bài tục ca ?

ÐÁP : Là nghệ sĩ mà tự giam mình vào những đề tài hạn chế thì chán bỏ mẹ ! Nhưng đừng tưởng rằng chỉ vì muốn thay đổi đề tài mà tôi soạn tục ca sau khi soạn tâm ca. Tục ca rất đứng đắn (serious). Hơn nữa nó phản ảnh đúng cái thời đại mà ai cũng muốn văng tục.

CÂU 41. Ông có là một người cô đơn bởi chính tài năng và chính kiến của mình ?

ÐÁP : Tôi không bao giờ cô đơn, chứng cớ là anh đang tìm đến tôi bằng 41 câu hỏi này ! Chứng cớ khác nữa về sự không cô đơn là năm nay (1996), vào tuổi 76, tôi vẫn còn được mời đi hát ở nhiều nơi trên thế giới.



Người Hoa Kiều ở Phố Cổ Hà Nội - Tác giả Trần Du Sinh





Nội chiến Bắc Nam đã qua đi gần 40 năm. Đã có biết bao buồn vui khơi lên từ đống tro tàn của cuộc chiến. Có những vết thương đã lành và cũng có những vết thương sẽ không bao giờ hết đau. Có những người đã được lưu vào sử sách nhưng cũng có nhiều người bị lãng quên, trong đó có Việt Nam Hoa Kiều, nói theo cách nói của người Hoa để phân biệt với hải ngoại Hoa Kiều sanh ra ở các lân bang khác của Trung Hoa lục địa.

Truyền thông và văn chương Việt Ngữ cũng ít khi nói về Hoa Kiều tị nạn từ cuộc nội chiến Bắc Nam. Có lẽ vì chính trị vốn nhạy cảm, và cũng có lẽ vì phong trào chống Trung Cộng đang dâng cao trong cộng đồng Việt ở hải ngoại cũng như người dân trong nước trong năm 2014 với điểm nóng Biển Đông.

Người Hoa Kiều di dân đầu tiên mà tôi biết tới là người đầu bếp của một nhà hàng Tàu ở Châu Âu. Ông vượt biên bằng tàu sắt có sự thoả thuận của chính quyền mới sau năm 1975, chứ không bỏ chạy trên những chiếc ghe đánh cá mong manh như đa số người Việt tị nạn khác. Họ trả tiền để đi vượt biên, cũng trải qua nhiều gian truân với biến cố họ gọi là "nạn kiều". Đa số Việt Nam Hoa Kiều khi qua hải ngoại lại dùng tiếng Hoa để liên lạc nhau, và không dạy cho con cái tiếng Việt nên nhiều em sanh ở trời Tây Mỹ, mang họ Việt nhưng chỉ biết tiếng Hoa bồi.

Qua tới Quận Cam thì tôi biết được người Hoa Kiều là một trong những người đầu tiên dựng nên Little Saigon với Thương Xá Phước Lộc Thọ và chợ bán đồ ăn Châu Á.

Người Hoa khắp thế giới luôn có những hội tương tế đồng hương hay bang hội để giúp nhau lập nghiệp, tạo dễ dàng cho việc gom vốn để mở chợ, nhà hàng, cơ sở thương mại với hệ thống tài chánh riêng. Đây cũng là nét khác của cộng đồng Hoa Kiều so với cộng đồng Việt, vì họ gắn bó và hỗ trợ nhau nhiều hơn. Đây cũng là nền tảng của các Phố Tàu khắp thế giới: tình đồng hương và chữ tín trong tài chính và kinh doanh.

Hoa Kiều ở Chợ Lớn hay ở các tỉnh của Việt Nam vốn là dân tị nạn từ Trung Hoa qua các thời đại. Họ vốn là dân trọng thương, từng gánh chịu hậu quả của chiến tranh đói khát, nên khi qua đến quê hương mới, họ ít dính tới chuyện chính trị, âm thầm làm ăn, chăm lo cho gia đình và mở rộng cộng đồng thông qua những sự tương tế giúp đỡ đồng hương và họ hàng.

Sau này khi coi cuốn phim phỏng tác từ tác phẩm của nhà văn gốc Hoa, Amy Tan, có tựa đề "Phúc Lạc Hội" (The Joy Luck Club), tôi được hiểu thêm về người Hoa tị nạn trước chiến tranh Việt Nam ở bên Tàu. Tôi yêu thích cuốn phim đó cũng vì tài diễn xuất tuyệt vời của nữ tài tử Kiều Chinh, một tượng đài điện ảnh Việt vượt thời gian, trong vai một người mẹ Hoa tị nạn ở Mỹ bỏ lại hai đứa con gái sanh đôi trên đường tị nạn. Cũng nhờ cuốn phim này mà tôi yêu cái thành phố San Francisco, nơi có khu Phố Tàu cổ xưa nhất thế giới ở Hoa Kỳ làm bối cảnh của bộ phim nổi tiếng này.

Sau này học về kinh doanh, tôi ngưỡng mộ doanh gia Trần Đức của công ty Huy Fong Foods chỉ chuyên làm tương ớt. Ông là Hoa Kiều tị nạn từ Việt Nam và cũng từng đi lính cho miền Nam. Tôi biết tới ông qua một bài phỏng vấn. Ông nổi tiếng vì đã làm ra một sản phẩm gốc Việt phổ biến nhất thế giới. Đó là chai tương ớt Sriracha có nhãn hiệu con gà trống, nó có mặt ở bất cứ nơi hẻo lánh nào trên thế giới có nhà hàng Tàu hay Việt, và đây cũng là sản phẩm gốc Việt mà nhiều đồng nghiệp Mỹ của tôi biết tới nhiều nhất, nhờ khoái đi ăn phở. Họ đều hỏi tôi chỗ mua để đem về nhà ăn với mì gói hay xúc xích.

Uy tín và đạo đức kinh doanh của ông Trần Đức đã được cả thế giới kiểm chứng, vì chất lượng ổn định và giá cả không hề tăng trong vòng mười năm, dù năm nào Hoa Kỳ và kinh tế thế giới cũng có lạm phát.

Trong khi đó, ở Sài Gòn, năm nào cơm bình dân cũng tăng vào dịp Tết và không bao giờ xuống lại, dù khách hàng chính là thành phần sinh viên và dân có lợi tức thấp trong xã hội. Tính ra ở điểm này thì giới làm ăn thuần Việt ở Việt Nam chắc phải đợi nhiều thế hệ nữa mới có được đạo đức kinh doanh của ông Trần. Từ chuyện đạo đức và triết lí kinh doanh của ông thì người ta cũng hiểu được vì sao người Hoa Chợ Lớn và miền Nam ngày xưa làm ăn thành đạt và thịnh vượng.

Nhưng những người Việt gốc Hoa trên đều có xuất xứ miền Nam, đều nói giọng Nam với một chút âm tiếng Hoa trong cách phát âm các phụ âm thuần Việt tạo nên cái lơ lớ rất đặc trưng. Giọng người Hoa ở miền Nam cũng rất quen thuộc với người Việt qua các bộ phim Hồng Kông được lồng tiếng ở hải ngoại.

Còn người Hoa Kiều tôi sắp kể ra đây lại đến từ phố cổ Hà Nội, nói giọng Hà Nội chuẩn của thời chưa pha tạp Bắc Trung Bộ và họ hàng của lính Trường Sơn kéo về. Anh phát âm tiếng Bắc nghe rất hay, và nói tiếng Hoa cũng hay không kém. Chuyện tôi gặp anh cũng rất tình cờ.

Một tối tháng Mười hơi lành lạnh hơi sương từ Vịnh Kim Sơn, tôi đi ngược từ phía cầu tàu, dọc theo con đường Broadway để tìm tới Phố Tàu. Cách đây đúng mười năm, cũng vào mùa này, cũng trên con đường này, tôi thả bước về phố Tàu để tìm ăn một tô hủ tiếu. Phố Tàu San Francisco sau chừng ấy năm cũng vậy, cũng là những cửa hiệu cũ, những cửa hàng bán đồ rẻ tiền made in China, và cũng những khuôn mặt nhăn nheo của người già. Người Hoa lớn tuổi thường xuống phố đi chợ, cũng là nơi gặp gỡ đồng hương, nên Phố Tàu thường có nhiều người già Á Châu hơn người trẻ. Có lẽ đối với Mỹ con gốc Châu Á, phố Tàu quá dơ bẩn và buồn chán đối với họ. Nếu không thèm đồ ăn Tàu chắc là họ sẽ không tới đây để làm gì. Người qua đường ở đây đa phần là dân du lịch hay khách vãng lai, chứ không phải thế hệ Tàu con kiểu Mỹ con, mà dân Tàu di dân gọi là ABC (American-Born Chinese). Tôi tạm dịch là "Tàu con".

Phố Jackson vẫn vậy, vẫn cũ kỹ với nhiều hàng quán ghi ẩm thực Hồ Nam hay Tứ Xuyên rất đông khách. Nhìn xuyên cửa kiếng vẫn thấy nó cũ kỹ với bàn ghế cũ sắp xếp hơi bề bộn, thiếu không gian cho người thích ngồi nhâm nhi ly rượu vang và hoài niệm mười năm tình cũ với Cựu Kim Sơn như tôi.

Rồi từng quán cứ lướt qua không vương vấn, cho tới khi tôi thấy chữ "ẩm thực Đông Dương" (Cuisine Indochine). Chữ Đông Dương có ý nghĩa gợi nhớ rất nhiều với tôi, cũng nhờ hai cuốn phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp mà tôi đã coi qua và mua đĩa gốc làm kỷ niệm và kho tư liệu. Phim thứ nhất mang đúng một chữ "Indochine", nghĩa là "Đông Dương", do huyền thoại điện ảnh Pháp là nữ tài tử Catherine Deneux và tài tử gốc Việt Phạm Linh Đan thủ diễn hai vai nữ chính.

Cuốn phim thứ hai là "Người tình" (L'amant) do tài tử Hồng Kông Lương Gia Huy đóng vai chính với cảnh miêu tả ân ái quá sức gợi tình với nữ tài tử Pháp Jane Mảch trong vai cô nữ sinh trung học người Pháp yêu một công tử Hoa Kiều từng đi du học ở Tây về. Phim có kịch bản từ một tác phẩm văn chương nổi tiếng cùng tên. Một kiệt tác văn chương và điện ảnh có số phận đặc biệt với lịch sử thuộc địa của xứ An Nam. Cái lịch sử này làm tôi ám ảnh về sự trù phú của miền Tây thời thuộc địa với những địa danh và điển tích "Công Tử Bạc Liêu", không như mấy anh chàng miền Tây thời xã hội chủ nghĩa nghèo khô đến nỗi không đủ tiền cưới vợ, để rồi có hàng trăm ngàn cô gái miền Tây phải lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hay ăn sương khắp Đông Nam Á.

Chữ "Indochine" đã đủ mạnh để kéo tôi bước vào quán không một chút đắn đo. Vào tới bên trong, tôi hơi khá ngợp trước vẻ sang trọng tao nhã của quán, dù bên ngoài cũng cũ kĩ như mấy nhà hàng Tàu khác. Nhìn qua là biết quán vừa mới tân trang với thiết kể nửa Tây nửa Việt sang trọng dưới ánh đèn vàng rọi lên nhiều thớt gỗ cùng màu. Quầy tính tiền cũng là một bar rượu có dáng dấp của một nhà hàng hiện đại, và không gian bày biện rộng rãi kiểu Tây. Quán đúng là một sự hoà hợp Đông-Tây giữa phố Tàu cũ kĩ, một điểm nhấn của một vùng đất lịch sử. Cái tên quán cũng khá Tây: Begoni Bistro.

Chọn cái bàn ngay cửa sổ nhìn ra phố nhỏ, tôi gọi món Tây: cá hồi nướng phô mai và khoai tây chiên, cùng với một ly rượu Bordeaux để tưởng nhớ tới những cuốn phim thời Pháp thuộc. Món cá hồi nướng lò vừa tới để lại hương vị rất tươi, ngọt nhẹ nhưng không có vị tanh của thịt cá, cộng với chút béo ngậy của phô-mai tan chảy và chút nước sốt kiểu Tây làm tôi không thể tìm ra điểm nào để chê. Đã khá lâu rồi tôi mới ăn sạch một đĩa đồ ăn theo khẩu phần Mỹ như vậy. Miếng cá khá lớn nằm trên một cái đãi cũng khá lớn ban đầu đã cho tôi cảm giác là sẽ ăn không hết.

Khá no bụng nên tôi ngồi nhâm nhi vị chát của ly rượu đỏ. Bỗng một người ăn vận kiểu đầu bếp ghé tới, trên tay cầm một chai rượu đỏ cùng một nụ cười hiền hậu. Anh nhìn trạc ngoài ngũ tuần, nhìn có vẻ hơn tôi độ chục tuổi. Anh trờ tới hỏi thăm xem tôi có thích món ăn do anh làm hay không, và cái đĩa sạch trơn trên bàn đã thay câu trả lời.

Thoáng một chút thì anh đã biết tôi là người Việt, vì tôi đang đưa hình món ăn của anh lên trang Facebook để chia sẻ cùng bạn bè. Anh mời tôi một ly rượu và chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Anh nói giọng Hà Nội rất hay, và trong từng cách nói và chọn từ đều khác với tiếng Bắc của phát ngôn viên VTV hay các phim miền Bắc, nghe có vẻ gần với ngôn ngữ của Bắc 54 hơn, dù vẫn còn dùng nhiều thổ âm và tiếng lóng rặt Bắc Kỳ 75. Có lẽ anh chưa bao giờ là Bắc Kỳ 54, vì anh sanh ở Hà Nội sau cái thời điểm chia cắt lịch sử đó.

Khi biết tôi từ Quận Cam tới, anh khen ở Quận Cam đồ ăn ngon, phở ngon nhưng lại khăng khăng mời tôi ăn một tô phở Bắc. Tôi từ chối lịch sự vì quá no nhưng thấy vẻ nhiệt tình và kiên trì của anh nên tôi gật đầu. Anh quay lại bếp để “tiếp thị” cho tôi một tô phở thuần Bắc.

Một tô phở gà nóng hổi được bưng ra, khói bay nghi ngút. Bánh phở tươi, gà chặt khá mảnh, ở giữa tô phở là nhúm hành và rau thơm, và đặc biệt là không có dĩa rau kèm theo. Anh giải thích rằng, phở Bắc ở Hà Nội không ăn kèm với giá cộng hay ngò gai, cũng không có hành trần nước béo như người miền Nam vì nước phở phải trong, không đậm mùi nước lèo, và nếu cho giá hay rau nhiều vào vì sẽ mất đi hương vị gốc.

Nghe cũng có lí, nhưng đúng là tô phở Bắc nhìn thanh cảnh hơn tô phở Nam, nhất là phở đặc biệt của Quận Cam với đội ngũ hầm bà lằng nào là thịt, gân, gầu, xách cũng như đủ loại rau nhúng vào. Dù chỉ ăn phở gà nhưng tôi cũng đoán được phở bò Bắc cũng thanh cảnh không kém. Âu cũng là nét văn hoá riêng, mà lại là văn hoá Hà Thành trước khi dân tỉnh về biến nó thành cái chợ quê khổng lồ xứ Bắc. Thầm nghĩ đêm nay đúng là đêm của du lịch văn hoá, khi gặp đúng người Hà Thành xưa với nét ẩm thực Bắc xưa, dù anh bạn mới này nói tiếng Hoa cũng rành như tiếng Việt. Anh là Hoa Kiều phố cổ xuyên lục địa, từ phố cổ Hà Thành qua phố cổ Cựu Kim Sơn.

Tô phở gà kiểu Bắc và sự hiếu khách khéo léo của anh bạn mới quen đã theo tôi về với miền Nam cũ ở Quận Cam với một kỉ niệm mới. Nhưng rồi hương vị Bắc cũng phai theo ngày tháng bởi tôi lại về với công việc và những bữa cơm tối miền Trung.

Hai tháng trôi qua, mùa Giáng Sinh lại đến. Trong lúc tìm một thành phố lạnh hơn để đón đêm Giáng Sinh, cái tên San Francisco lại vang lên trong đầu tôi và đã được chọn làm nơi đóng Nô-en, dù miền Bắc Cali không lạnh hơn miền Nam nhiều cho lắm. Có lẽ vì cái lãng mạn của thành phố của nghệ sĩ này lôi kéo tôi, cộng thêm sự hấp dẫn của một phố Tàu cũ kĩ. Tôi lại lên đường cùng những du học sinh cho một chuyến dã ngoại lái xe đường dài.

Bữa tối đầu tiên ở San Francisco, tôi tìm về quán Begoni. Vừa tới quán tôi đã biết họ còn nhớ mặt tôi qua nụ cười thân thiện. Lần này chúng tôi không gọi món Tây hay món Đông Dương mà gọi ngay món ăn Hà Nội: chả cá Thăng Long, chả cả Hà Nội và phở gà. Một lát sau, anh chủ kiêm bếp chính tự tay bê ta món chả cá Thăng Long do chính tay anh làm. Anh đang ở trong bếp và nghe người hầu bàn nói là có khách ở xa tới gặp. Lần này chúng tôi có dịp nói về ẩm thực Hà Nội phố và một chút Hà Nội cổ.

Tôi khá bất ngờ khi nghe anh nói là mới về Hà Nội chơi. Anh lấy phone ra cho tôi coi hình anh chụp về Hà Nội. Những bức hình của anh rất đời thường, có nhiều gánh hàng rong, nhiều quán ăn nhỏ bé và gánh ăn vỉa hè của phố cổ Hà Nội. Anh dừng lại một tấm hình có cảnh anh ngồi ghế đẩu ăn bún chả bên một gánh bún của một phụ nữ trung niên. Anh chỉ cho tôi thấy một ngôi nhà hai tầng khá lớn so với những căn còn lại trên con phố nhỏ trong bức ảnh trắng đen rồi nói:

- Đấy nhà của tôi đấy. Nhưng bây giờ họ lấy rồi. Mỗi lần về tôi đều chụp nó cho đỡ nhớ. Còn cái con bán bún này, nó là con của đứa bạn cũ. Nhà nó mấy đời bán bún chả, ngon lắm. Lần nào về tôi cũng ăn gánh của nó, lại còn giành rửa bát cho nó nữa.

Anh nói xong lại cười rất vô tư. Để tiếp nối câu chuyện, tôi khen miếng chả của anh ngon. Không ngờ anh lại nói:

- Không ngon bằng miếng chả ở Hà Nội.

Tôi tưởng là anh nói khiêm tốn kiểu người Bắc nên cố nói thêm một câu:

- Nhưng với em, nó đã tươi, mềm và thấm, đủ để gọi đó là món chả ngon của Hà Nội rồi.

Anh mỉm cười và nói thêm một câu:

- Em biết tại sao nó không ngon bằng chả ở Hà Nội không ? Vì bên kia người ta lấy thịt con heo vừa mới mổ xong, thịt còn tươi rói đem quết làm chả ngay thì nó mới ngọt và tươi đúng chất Hà Nội, còn bên này thịt phải qua phòng lạnh rồi mới cho bán nên làm chả không có vị tươi như ở Hà Nội.

Lúc này thì tôi đã hiểu độ tinh tế của người Hà Nội cũ, cũng như anh đầu bếp tài hoa này. Nhà hàng của anh tuy mới mở nhưng được xếp hàng rất cao bởi các trang Web chuyên về ẩm thực, và cũng là ngôi sao mới nổi ở phố Tàu trứ danh về ẩm thực Phương Đông này.

Rời San Francisco với chút lâng lâng của một trải nghiệm mới, của hương vị Hà Nội mà cách đây chỉ vài tháng thôi vẫn còn xa lạ với tôi. Tôi chưa một lần ra phố cổ Hà Nội nhưng hình ảnh ông Hoa Kiều ngồi xổm ăn hàng gánh trước ngôi nhà cũ của ông bị tịch thu cũng đủ gợi nên niềm nuối tiếc của một thời chưa có di cư và tị nạn, cái thời mà Hà Nội còn mang hình ảnh Đông Dương quí phái và thanh lịch.

Có lẽ chuyện người Hà Thành thanh lịch cũng đã qua đi cùng năm tháng, chỉ còn người Hà Nội cũ thanh lịch làm khách du lịch trước mái nhà xưa của mình. Và trong số người Hà Nội xưa có cả những Hoa Kiều phố cổ.

Mời nghe hồi ký Một Cơn Gío Bụi của sử gia Trần Trọng Kim




Phần Một




Phần Hai




Phần Ba




Phần Tư




Phần Năm




Phần Sáu




Tháng Chạp, viếng mộ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Tác giả Trần Tiến Dũng




BÌNH DƯƠNG (NV) - Người miền Nam, vào mỗi Tháng Chạp hàng năm đều nghĩ đến các bậc anh linh, các danh nhân dân tộc và người thân đã khuất.

Ngôi mộ đơn sơ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở lô Mạc Đĩnh Chi, nghĩa trang
Lái Thiêu B, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Bất kể những biến động lịch sử, hiện nay, tục tảo mộ của người miền Nam vẫn là lễ hội văn hóa dân gian nhân bản nhất dành cho người khuất bóng và cả cho người còn tại thế.

Bà T., một người thân của chúng tôi, Việt kiều về từ Mỹ. Người phụ nữ Việt này đã ngoài tuổi năm mươi, đến định cư ở Mỹ hơn mười năm, công việc ở quê hương mới chỉ là thợ làm nail, nhưng bà nói, “Đây là lần thứ hai tôi về Việt Nam, ngày tôi tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ, trong cảm xúc biết ơn của tôi đối với nước Mỹ, không hiểu sao lại có hình ảnh ông Ngô Tổng Thống, tôi có hứa với lòng mình là tôi phải tìm thăm mộ ông Ngô Tổng thống. Tôi không quên hồi học tiểu học, ngày nào thầy trò cũng hát bài vinh danh Ngô Tổng Thống. Cảm xúc đầu đời về tình yêu nước, yêu tự do không bao giờ phai mờ.”

Nhận lời hướng dẫn bà T., nhưng thật lòng chúng tôi cũng chưa lần nào đến nghĩa trang Lái Thiêu, dù từ lâu đã có nghe qua chuyện hai ngôi mộ Huynh và Đệ. Chúng tôi đi bằng xe gắn máy, với nhiều người đứng tuổi ít đi đây đi đó thì quốc lộ 13 ngày nay với các khu công nghiệp, siêu thị,... đúng là hoàn toàn xa lạ với ký ức của họ.

Ngày nay, Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, quần thể đô thị khó nhận biết ranh giới, việc một người Sài Gòn không biết sử dụng “Goole Map” đành liên tục mở miệng hỏi thăm đường thì có thể kết luận người đó thuộc típ cố cựu, lạc hậu không có đủ phương tiện di động cá nhân để sống thích nghi với sự rối loạn giao thông và xã hội. 

Sau ba lượt hỏi thăm các bác tài xe ôm, chúng tôi đến cái quán nước xập xệ trước cổng nghĩa trang Lái Thiêu B.

Bà chủ quán muốn chúng tôi xác định là tìm mộ ai, ở nghĩa trang Lái Thiêu của người Việt hay của người Hoa. Như không thể dằn được cảm xúc, bất ngờ người đàn bà Việt kiều nói, “Thưa chị, tôi không có người thân nào nằm ở nghĩa trang này, tôi đến đây chỉ để thăm mộ ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm thôi chị à.”

Sau một thoáng im lặng, người chủ quán, một người đàn bà miền Nam dáng dấp gầy ốm, nói. “Nhiều người đến thăm mộ ông không dám hỏi thẳng như bà. Thôi, bà chờ tôi lấy xe đưa đi chớ nghĩa trang rộng lắm, mắc công kiếm.”


Ngôi mộ của ông cố vấn Ngô Đinh Nhu. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Gần như các nghĩa trang ven đô thị đều trở nên quang đãng vào tiết Tháng Chạp. Một phần do ánh sáng và khí trời nhưng phần chính là nhờ dịch vụ làm cỏ, rửa mộ, quét vôi các phần mộ. Thường thì các kiểu làm dịch vụ này do các người già, người nghèo sống quanh nghĩa trang làm, nhưng cũng có khi do các tay đầu gấu thân cận với các ban quản lý nghĩa trang “đấu thầu” chia chác.

Dù nhiều lần chúng tôi được nhìn hình ảnh mộ phần cố tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa qua các thông tin từ Internet, nhưng chúng tôi không kiềm được xúc động khi đứng đối diện với ngôi một tô bằng đá mài xưa và tấm mộ bia đơn sơ với dòng chữ nhỏ đề tên thánh và một chữ Việt là: Huynh. Kề bên mộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là mộ phần của thân mẫu ông. Ngay bên cạnh, mộ của ông cố vấn Ngô Đình Nhu trên bia cũng chỉ có một chữ: Đệ, đơn sơ.

Bằng ý thức, chúng tôi hiểu: Cái chết là sự bình đẳng tuyệt đối. Phần mộ hôm nay của ông Ngô Đình Diệm, vị cố tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, một chính thể được Liên Hiệp Quốc công nhận, không phải là đơn sơ bình dị theo ý nghĩa tôn giáo hay văn hóa mà chính là sự bỏ phế đáng xấu hổ, bạc bẽo đáng sợ của những người cùng thời, cùng ý thức với ông và của cả thể chế đang cầm quyền hiện nay.

Lịch sử dân tộc và thế giới đã có những chuyện quật mộ kẻ thù của các vương quyền trong thời phong kiến để làm bài học về sự nhỏ nhen hèn hạ đến cùng cực, nhưng lịch sử cũng nêu nhiều tấm gương từ nhân vật quyền lực và thể chế cầm quyền quang minh đã đối xử cao thượng, hỉ xả với những người lúc sống từng là kẻ thù chính trị.

Ông D., người bạn đi cùng chúng tôi, đi từ hướng mộ ông Ngô Đình Cẩn, ông đến gần chúng tôi nói giọng nghẹn ngào. “Sao mà mấy bậc vị này lại chịu nghiệt ngã quá. Tôi thấy trước sau gì nghĩa trang này cũng giải tỏa, không biết lần này các ông đi đâu!”

Ông D., trên đường đến đây kể cho chúng tôi nghe chuyện hồi ông còn bé, có lần ba ông, một quân nhân VNCH dẫn ông đi vô nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, trong ký ức ông, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giống như một công viên lớn. Sau khi ba ông dẫn ông chiêm ngưỡng các công trình mộ phần to và đẹp của các ông tướng tá, chính khách rồi đưa ông đến bên hai ngôi một thấp lè tè không có mộ bia chỉ thấy có bốn cột trụ thấp nối nhau bởi cọng dây thừng.

Ba ông không nói gì, chỉ kính cẩn thắp hương, ông lấy làm lạ vì ông biết hai ngôi mộ này đâu phải của thân tộc. Thắc mắc, ông hỏi ba, nhưng trước sau ba ông không nói gì, trước khi bước đi, ba ông nắm tay ông biểu lạy đi con, rồi chỉ vào miếng giấy trắng trên có dằn một cục đá. Ông tò mò cầm cục đá lên và thấy trên miếng giấy trắng người ta có ghi dòng chữ: Nơi yên nghỉ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Hôm nay, chúng tôi, những người đến viếng mộ cụ Ngô Đình Diệm, không ai dưới 55 tuổi. Ở cái tuổi đó ít nhiều cũng còn nhớ về các sự kiện dưới thời VNCH. Nhưng nếu có ai đó cố hết sức để quên thì cũng không thể xóa trong trí nhớ được tên và sự nghiệp vinh quang cùng bi kịch gắn liền với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia đình ông.

Tuy rằng chúng tôi đến viếng mộ ông lần này không dẫn theo con, cháu hay người bạn trẻ tuổi nào, nhất là những người sinh sau 1975; nhưng chúng tôi biết chắc chắn lịch sử không bao giờ già và chết.
Lịch sử về sự nghiệp, với công và tội, của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm chính là phần mộ uy nghiêm, minh bạch nhất sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.



Trần Trọng Kim, sử gia sinh năm Mùi







Hạnh phúc

 
“Hạnh phúc là biết mình thực sự cần gì và có được cái mình cần. Những cái bạn thực sự cần và bạn đang có có thể là những điều rất giản dị xung quanh bạn. Chẳng hạn một sớm mai thức dậy bạn thấy khỏe mạnh, có một bông hoa nở bên cửa sổ để ngắm, được ăn một bữa ăn ngon trong sự thân tình và ấm áp với những người thân, hay khi được uống một tách trà nóng với một người bạn tri kỷ và cùng nhau hàn huyên, tâm sự …..”
 
It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness. - Charles Spurgeon

 Điều làm nên hạnh phúc không phải là chúng ta có bao nhiêu, mà là chúng ta vui sống bao nhiêu. ~ Charles Spurgeon
Be happy for this moment. This moment is your life. - Omar Khayyam
Hãy hạnh phúc  chính giây phút hiện tại này. Giây phút này chính là cuộc đời bạn. ~ Omar Khayam
Happiness is not something ready made. It comes from your own actions. - Dalai Lama
Hạnh phúc không được tạo sẵn. Hạnh phúc đến từ chính hành động của bạn. ~ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Be happy with what you have and are, be generous with both, and you won't have to hunt for happiness. - William E. Gladstone
Hãy hạnh phúc với những gì bạn có và bạn đang là, hào phóng  với cả hai diều này, thế là bạn không phải săn tìm hạnh phúc. ~ William E. Gladstone.
Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony. - Mahatma Gandhi
Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói, và những gì bạn làm đều phù hợp với nhau.  ~ Mahatma Gandhi
There is only one happiness in this life, to love and be loved. - George Sand
Chỉ có một  thứ hạnh phúc trên đời này, đó là yêu thương và được yêu thương ~ George Sand
Tôi nhất định vui tươi và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh cuộc đời tôi. Vì tôi biết rằng phần lớn nỗi khổ đau hay bất hạnh của
chúng ta không phải do hoàn cảnh mà do tâm tính của chúng ta. ~  Martha Washington
Hạnh phúc không thể  do ai đem tới, do chiếm hữu, do giành được,  bị hao mòn hay tiêu dùng mà hết.
 
Hạnh phúc là trải nghiệm tinh thần khi sống từng phút với yêu thương, đức hạnh và lòng tri ơn. ~ Denis Waitley
Happiness often sneaks in through a door you didn't know you left open. - John Barrymore
Hạnh phúc thường lẻn vào qua một cánh cửa bạn để  mở mà không biết.  ~ John Barrymore
 
Hãy nhớ rằng những người hạnh phúc nhất không phải là những người lấy được nhiều hơn mà là những người cho đi nhiều hơn – H.Jackson Brown
 
Hạnh phúc như một nụ hôn, bạn phải chia sẻ nó mới tận hưởng được nó. ~ Bernard Melzer

Ngôi mộ xưa nằm bên bờ sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.



Mộ giản dị, đắp trên một gò đất nhìn ra bờ sông, xung quanh là những cây cổ thụ quanh năm xanh tốt. Nhân dân không xây thành lăng mà chỉ xây cao lên bằng gạch cổ, có mái nhỏ che mưa nắng. Rêu xanh màu thời gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngôi mộ cổ do nhân dân chọn địa thế đẹp, có tụ khí phong thủy, dựng lên như một biểu tượng.

Điều quan trọng là ngôi mộ nằm ở trung tâm thời dựng nước, từng là một thánh địa do chính Kinh Dương Vương chọn. Trên đường đi kinh lý, qua trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành), nhận ra thế đất quý, có tứ linh long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục, ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên xóm làng đầu tiên.

 
Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi Thủy tổ đài môn
(cửa đền thờ Đức Thủy Tổ).
 
Vùng đất Phúc Khang bắt đầu trỗi dậy sức sống Việt và trở thành vùng đất mang tinh hoa Việt, sau là vùng Luy Lâu nổi tiếng cho đến ngày nay. Ngài còn cho xây nhiều hành cung ở chốn này để quy tụ những hiền tài khắp vùng luận bàn việc non sông xã tắc (theo tác giả Nguyễn Thế Bình).
Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc), đóng tại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương.

Theo sử sách nước Việt thì Kinh Dương Vương làm vua và cai trị từ khoảng năm 2879 TCN cách đây 4892 năm. Địa bàn quốc gia dưới thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp hồ Động Đình, phía Nam giáp Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Ngay cái tên Kinh Dương Vương đã phản ánh vùng miền nói trên: Kinh là châu Kinh, Dương là châu Dương (nay thuộc Trung Quốc).
Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ.
Huyền thoại Âu Cơ sinh trăm con trai, bắt nguồn từ một sự thật là vùng đất sinh ra người con gái xinh đẹp hiền hòa làm vợ Lạc Long Quân thuộc địa phận quận Ích Dương thời xưa có nhánh sông Âu Giang, nơi sinh sản giống chim Âu, có hàng đàn chim Âu bay lượn trên trời. Nhân dân lấy tên chim Âu đặt tên cho nàng.
Chim Âu đẻ trứng. Người đời sau lấy việc đẻ trứng của chim Âu làm hình ảnh triết học để tả vị quốc mẫu Âu Cơ đã sinh ra các thế hệ “trăm họ” về sau mang tên “Bách Việt”. Cứ theo truyền thuyết trên thì vua Hùng đầu tiên là cháu nội của Kinh Dương Vương. (Theo các tác giả Lê Quang Châu, Hoàng Tuấn, Nguyễn Thế Bình).
 
Giáo sư Lê Quang Châu biệt hiệu Hồng Nguyên Tử ngồi chơi bên bờ sông Đuống, dưới chân mộ tổ, kể rằng, trẻ con có trò chơi, bắt đầu từ bài đồng dao “Chi chi chành chành. Cái đanh thổi lửa. Con ngựa chết trương. Ba vương ngũ đế. Chấp chế đi tìm. Ú tim bắt được. Ù à ù ập!”.
Xin giải mã bài đồng dao như sau: Chi chi là chi nọ (trong một tộc họ) nối chi kia. Chành chành là nếu không có chi kế tiếp thì “chành” sang họ trực hệ hoặc đồng tông. “Cái đanh thổi lửa” là biểu hiện thời cổ xưa có ông Toại Nhân dùng dùi đá lấy lửa.
“Con ngựa chết trương” là hình ảnh chuyện nhân vật Hiên Viên phản vua Thần Nông, giết vua và mười bốn người, cướp ngôi, tự xưng chính mình là hậu duệ, phạm vào lời nguyền “Bắc Nam không xâm phạm nhau”, gây nên cảnh “người và ngựa chết trương đầy đồng nội”.
“Ba vương Ngũ đế”, nói trước về ngũ đế là năm vị tổ của Kinh Dương Vương gồm Đế Thiên (Phục Hy), Đế Thích (Thần Nông), Đế Khôi (Viêm Đế, viêm là lửa), Đế Tiết (Hoàng Đế, vị vua đã phạm lời nguyền), Đế Thức (Thần Đế). Ba vương là ba vua anh em ruột dòng dõi Đế Thức: Vua Minh, vua Lai và vua Long Cảnh. Vua cả tên Minh đã đặt tên nước ta thời ấy là Xích Quỷ, xích là đỏ, màu lửa để chỉ rằng đây là dòng dõi của Viêm Đế, quỷ là một trong 28 ngôi sao, tượng trưng phương nam (không phải quỷ là ma quái).
“Chấp chế đi tìm” kể từ Ba vương ngũ đế đã chấp nhận đi tìm một thể chế để có thể xây dựng cơ đồ bền vững. “Ú tim bắt được”, bắt được chế độ liên hiệp trăm họ lại, tạo dựng nên nhà nước Văn Lang. “Ù à ù ập” là tán thán từ tỏ dấu hiệu vui mừng.
Đây là trò trẻ con chơi đã mấy nghìn năm, nó là cách người Việt ghi nhớ chuyện cổ sử. “Uống nước nhớ nguồn” là như thế.

Những hình ảnh đẹp nhất trong năm 2014 được chụp từ vũ trụ của tờ tạp chí National Geographic




11-JPG-8133-1419648529.jpg
Thiên hà Whirlpool lấp lánh với các tia X từ những ngôi sao neutron và vô số lỗ đen trên cánh tay xoắn ốc của nó.
Cực quang

12-1477-1419648529.jpg

Hình ảnh cực quang như những dải ánh sáng nhiều màu sắc xuất hiện trên bầu trời đêm ở hồ Pontoon, Vùng lãnh thổ Tây Bắc, Canada.
Tinh vân Lagoon

1-5428-1419648529.jpg

Tinh vân Lagoo giống như một tấm thảm khổng lồ chứa các ngôi sao trẻ sinh ra trong một đám mây khí và tro bụi. Hình ảnh được chụp từ Đài quan sát Paranal trên sa mạc Chile.
Ánh sáng của các thành phố lớn

2-6915-1419648529.jpg

Toàn cảnh ban đêm ở thành phố San Francisco và Los Angeles, Mỹ, chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Xa hơn là thành phố Salt Lake, thuộc bang Utah, tỏa sáng phía dưới đường chân trời màu xanh lá cây.
Đám mây dạng sóng kỳ lạ

3-9733-1419648530.jpg

Các đỉnh núi cao trên Đảo núi lửa Amsterdam, phía nam Ấn Độ Dương, làm gián đoạn dòng không khí đi qua đảo, tạo nên những đám mây có hình sóng trên bầu trời.
Áo choàng màu tím của thiên hà Hercules

4-4287-1419648530.jpg

Thiên hà Hercules được chụp bằng kính viễn vọng Không gian tia-X Chandra của NASA. Thiên hà có dạng hình elip, với trung tâm là một lõi sáng. Nhiều nhà thiên văn tin rằng Hercules chứa một lỗ đen siêu lớn, đang tích cực "nuốt" những ngôi sao và vật chất khác.
Đụn cát trên sao Hỏa

5-5995-1419648530.jpg

Hình ảnh đụn cát trên sao Hỏa được Tàu Quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter) ghi lại. 
Tinh vân đầu khỉ

6-1665-1419648530.jpg

Tinh vân đầu khỉ có tên gọi chính thức là NGC 2174, cách Trái Đất khoảng 6.400 năm ánh sáng. Nó nằm trong chòm sao Orion, nơi đám mây khí và bụi liên tục hình thành nên những ngôi sao trẻ.
Bụi sa mạc Sahara

7-8764-1419648530.jpg

Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chụp ảnh bụi từ sa mạc Sahara, châu Phi, khi đi ngang qua phía trên bầu trời Libya.
Sông xanh

8-9174-1419648530.jpg

Dòng sông xanh ở Utah, Mỹ, uốn khúc quanh một hẻm núi sâu gần 305 m trong nhiều thiên niên kỷ. Hình ảnh cũng ghi lại vệt sáng màu trắng của một chiếc máy bay khi nó đi qua khu vực này.
Vệ tinh của sao Thổ

9-4362-1419648530.jpg

Trong ảnh là khoảng không giữa hai vòng tròn trong vành đai sao Thổ (gọi là khoảng trống Keeler), và một vệ tinh của sao Thổ.
Sa mạc nở hoa

10-9423-1419648530.jpg

Tàu vũ trụ Terra của NASA ghi lại hiện tượng tảo nở hoa trong hồ Mackay, Australia, xen lẫn với thực vật trên sa mạc bị Mặt Trời thiêu đốt.
 
__._,_.___
__._,_.___